Tết và giao hòa văn hóa đậm sâu

Cập nhật, 11:09, Thứ Bảy, 17/02/2018 (GMT+7)

Như các điệu múa trống sa dăm, điệu múa răm vông hay những thanh âm đặc trưng từ dàn nhạc ngũ âm, đua ghe ngo, biểu diễn trang phục dân tộc... trong các dịp lễ hội của người dân tộc Khmer làm say đắm lòng người;

như văn hóa ẩm thực đặc trưng ngày Tết Nguyên đán của người Kinh là thịt heo kho rệu, cảm xúc hân hoan thăm viếng chúc tụng nhau trong thân thuộc họ hàng đong đầy tình cảm...

Nếu đặt khái niệm giao thoa, bổ trợ để làm nên sự phong phú văn hóa, đời sống vật chất lẫn tinh thần thì Tết Nguyên đán là “cánh cửa” mở ra để cảm nhận rõ rệt những tinh túy trong sự giao hòa ấy...

Những nét đời sống văn hóa, sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.
Những nét đời sống văn hóa, sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Giao thoa ẩm thực- văn hóa

Tết Nguyên đán không chỉ của riêng người Kinh mà còn tồn tại đậm nét trong tâm thức văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

Xã nông thôn mới Đông Thành (TX Bình Minh) có hơn 600 hộ dân tộc Khmer, tập trung tại 3 ấp: Hóa Thành 1, Hóa Thành 2 và Đông Hòa 2. Hiện không còn hộ người dân tộc bị đói, tỷ lệ hộ nghèo đang được kéo giảm tích cực.

Bà Sơn Thị Can- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thành- cho biết: Thời gian trước, đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên đời sống tinh thần chưa được phong phú. Giờ kinh tế dần ổn định, bà con cũng chú trọng đời sống văn hóa hơn.

“Hầu như nhà nào cũng đón Tết Nguyên đán của dân tộc Kinh”- bà Sơn Thị Can hiểu rõ sự giao lưu văn hóa giữa 2 dân tộc Kinh và Khmer.

Biểu diễn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer- nét văn hóa giao hòa không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.
Biểu diễn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer- nét văn hóa giao hòa không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Tết đến là hoa trái điểm tô, trong nhà ngoài sân đều được quét tước dọn dẹp. Về ẩm thực tết, người Khmer cũng làm bữa cơm tất niên để rước ông bà như người Kinh.

Nhà nhà bày mâm ngũ quả, hoa tươi, cơm nước tươm tất ngày cuối năm. Nếu người Kinh đón tết bằng nồi thịt kho rệu và các loại bánh mứt thì trà nước và bánh tét là 2 món mà người Khmer nhất định phải có trên mâm cơm tất niên.

Chúng tôi len lỏi vào sóc Chòm Tre, tìm đến nhà chị Kim Thị Nữ (ấp Đông Hòa 2). Bên tiếng gà trưa lao xao, đàn vịt táo tác khi có khách đến nhà, nói về Tết Nguyên đán, chị Nữ hiền hòa: “Cứ lối đầu tháng Chạp là tui bắt đầu mua sắm cho gia đình. Trước nghèo không nói, giờ đủ ăn rồi nên giữ lệ năm sắm bộ đồ cho con, vật dụng, hoa trái cho nhà ngày tết”.

Chị Nữ nói là “năm nào nhà cũng có đòn bánh tét, mấy năm nay trong xóm họp lại gói bánh tét chung, vui lắm”.

Cùng với Tết Nguyên đán của người Kinh, khi đến với các lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ, người dân và du khách sẽ hòa mình vào không khí sôi động và sắc màu văn hóa.

Đó là cảm xúc bên điệu dân ca dân vũ, múa dân gian răm vông, múa trống sa dăm, nghệ thuật sân khấu rô băm, dù kê, rồi thanh âm đặc trưng của dàn nhạc cụ ngũ âm, chiêm ngưỡng nét đẹp của trang phục rực rỡ... làm say đắm lòng người. Đừng quên ghé qua những miền ẩm thực địa phương: bún nước lèo, cơm lam thịt nướng, bánh gừng, cốm dẹp,...

Khu vực phía Nam có 12 tỉnh- thành vốn đông đồng bào Khmer sinh sống. Đồng bào Khmer có nền văn hóa lâu đời giàu bản sắc, giao hòa cùng người Kinh, người dân tộc Hoa trong lao động sản xuất; cùng lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng và là di sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Ẩm thực đa dạng gồm bánh tét ngọt nhân chuối, bánh tét mặn nhân đậu- thịt, cơm lam thịt nướng, thịt bò xào lá nhíp... của bà con Khmer tỉnh Bình Phước.
Ẩm thực đa dạng gồm bánh tét ngọt nhân chuối, bánh tét mặn nhân đậu- thịt, cơm lam thịt nướng, thịt bò xào lá nhíp... của bà con Khmer tỉnh Bình Phước.

Đoàn kết sẻ chia để cùng phát triển

Đồng chí Huỳnh Phương Đông- Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Tân Mỹ (Trà Ôn)- khi nói về đời sống của đồng bào Khmer đã nhấn mạnh vào sự đoàn kết gắn bó giữa người Kinh và người Khmer trên địa bàn. Ngoài các lễ tết lớn của người dân tộc, Tết Nguyên đán đã hun đúc tinh thần đoàn kết, sẻ chia lao động sản xuất, hưởng thụ văn hóa và giáo dục truyền thống cho thế hệ con em.

“Tất cả mọi người Kinh, Khmer và Hoa đều phấn khởi vui mừng, thăm viếng nhau dịp tết đến xuân về. Đó là điểm giao thoa, duy trì, phát triển nền văn hóa đậm đà của các dân tộc anh em”- Bí thư Đảng ủy xã- Huỳnh Phương Đông khái quát.

Đồng chí Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trà Ôn- cho biết riêng đồng bào Khmer trong huyện năm qua đã giảm nghèo được 7,1%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy đề ra. Đảng bộ huyện rất quan tâm tới công tác này.

Qua đó thúc đẩy đời sống kinh tế, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào Khmer ngày càng phát triển.

Đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Vĩnh Long chiếm hơn 2,2% dân số toàn tỉnh (trên 22.300 người) sống tập trung chủ yếu ở 11 xã- thị trấn của 4 huyện- thị. Trong số 32 xã nông thôn mới của tỉnh, có 4 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đời sống sản xuất kinh tế và văn hóa tinh thần của bà con đồng bào không ngừng được nâng cao.

Chúng tôi ghé nhà ông Thạch Mách ở ấp Đông Hòa 2 (xã Đông Thành- TX Bình Minh). Ông hiện có chân trong Ban Quản trị chùa Tòa Sen.

Trình diễn một công đoạn quết cốm dẹp của tỉnh Sóc Trăng.
Trình diễn một công đoạn quết cốm dẹp của tỉnh Sóc Trăng.

Nói về khác biệt trong văn hóa tết của 2 dân tộc, ông Thạch Mách vừa lật lịch năm mới vừa kể: Người Khmer đón Tết Nguyên đán khi qua tiết Thanh minh khoảng 7 ngày. Đúng 365 ngày thì năm mới sẽ bắt đầu. Tết đến, sau bữa cơm tất niên, mọi người sẽ cùng nhau đi lên chùa và mang theo cơm để “dâng sư”.

Trước là cầu bình an cho gia đình, sau là dâng cơm cầu siêu cho những người thân đã khuất. Hàng năm, khi người dân tụ họp viếng chùa, ông Thạch Mách sẽ ngồi thông báo cho nhân dân về tình hình thời tiết, mùa màng trong năm mới. Nhớ tết, ông không quên hoài niệm “Tết là 3 ngày 3 đêm chơi suốt”...

Lịch sử là một dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ. Chính sự giao thoa của những nét văn hóa đặc trưng mỗi dân tộc anh em đã làm nên bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng của người Việt Nam. Ở đây, xin góp nhặt một chút về cái hay, cái đẹp được sẻ chia trọn vẹn mỗi năm nhân tết đến xuân về

Nếu người Kinh đón tết bằng nồi thịt kho rệu và các loại bánh mứt thì trà nước và bánh tét là 2 món mà người Khmer nhất định phải có trên mâm cơm tất niên. Chính sự giao thoa của những nét văn hóa đặc trưng mỗi dân tộc anh em, đã làm nên bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng của người Việt Nam.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI - TUYẾT NGA