Năm Đinh Dậu nói chuyện gà

Cập nhật, 09:23, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Âm lịch có 12 con giáp, mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, mỗi ngày đêm có 12 giờ (canh). Mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ linh ứng với một con vật cụ thể là: Tý- con chuột, Sửu- trâu, Dần- hổ, Mão- mèo, Thìn- rồng, Tỵ- rắn, Ngọ- ngựa, Mùi- dê, Thân- khỉ, Dậu- gà, Tuất- chó, Hợi- heo.

Gà là một loài động vật lông vũ vốn có trong tự nhiên, từ lâu được con người thuần dưỡng, lai tạo trở thành gia cầm phổ biến trên toàn thế giới.

Cũng như con người, chủng tộc gà rất đa dạng phong phú, sắc tố đủ màu, trọng lượng to nhỏ khác nhau, có giống nặng vài trăm gam, có giống nặng hơn chục ký. Mỗi địa phương, vùng miền, quốc gia có giống gà đặc sản riêng như gà Tây (Âu, Mỹ), gà ta (gà Việt), gà Tàu, gà che (tre), gà nòi, gà ri, gà ác, gà tam hoàng (lai tạo)...

Người Việt ăn thịt gà thường kèm với hương vị lá chanh nên mới có câu “con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”...

Kinh nghiệm lựa gà tốt của người nội trợ, gà ngon là con gà có bộ lông mướt. “Bán gà giời gió, bán chó giời mưa”, nhìn con gà xù lông, con chó ủ ê, run rẩy hẳn là bệnh hoạn thì ít có người mua, hay “gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua” là giống gà ngon.

Gà không những là nguồn thực phẩm dồi dào quen thuộc, bổ dưỡng mà đông dược còn lấy một số nội tạng của gà như xương, bao tử (kim kê) bào chế thành thuốc trị bệnh về xương, bao tử của người có hiệu quả.

Người ta nuôi gà không chỉ làm nguồn thực phẩm, dược liệu mà gà còn là con vật háu đá đem lại thú vui giải trí.

Gà là sinh vật cảnh rất sống động, bởi gà đẹp mã, tiếng gáy dõng dạc, vang xa, đặc biệt Nhật Bản có giống gà quý hiếm lông đuôi dài tới 6- 7m.

Bản năng của gà siêng năng bươn chải kiếm ăn- nhất là gà mái. Để bảo vệ đàn con, gà mẹ sẵn sàng xả thân chống trả kẻ thù xâm hại. Bản năng ấy của gà được con người nhất là lớp người lao động rất quý mến.

Gà là con vật gần gũi với con người, là nét đẹp văn hóa xã hội của con người. Hình tượng gà đã đi vào văn học nghệ thuật tục ngữ, ca dao, hò, vè... của dân tộc Việt Nam ta.

Gà thường được liên tưởng với con người và ngược lại. “Gà trống nuôi con” ý nói sự khó khăn không phù hợp với thiên chức của nam giới; “quáng gà” “gà mờ” liên tưởng tới người kém thị, người thiếu sáng suốt; hiện tượng sợ nổi gai ốc, còn gọi là “sợ nổi da gà”.

Khác với gà nuôi thả, gà nuôi nhốt công nghiệp, sẵn có thức ăn, nước uống mất đi bản năng bươn chải. Con người được sống trong điều kiện ấy thường lười biếng, thiếu năng động cũng được gọi là “gà công nghiệp”, “gà què ăn quyện cối xay” ám chỉ con người chỉ quyện quanh một xó, không dám mạnh mẽ bung ra chinh phục cái mới; vè “con gà mái nổ” là châm biếm người đàn bà lắm điều, chua ngoa, chửi bới khi mất trộm con gà hay vật dụng khác; “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” là câu châm ngôn nhắc nhở người ta sống phải có tình thương yêu đồng loại; “Cặp tóc đuôi gà” là hình ảnh đẹp của người con gái thôn quê.

Thời xưa, chưa có nhiều đồng hồ dụng cụ đo đếm thời gian, tiếng gà gáy điểm canh, báo thức cho con người là rất quý:

“Gà gáy một lần đêm chữa tan

Chùm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”...

(“Giải đi sớm” trong tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch)

Hình tượng gà không chỉ có khá nhiều trong văn học mà mỹ thuật dân gian cũng vậy. Tranh con gà là một bức tranh đẹp.

Một số nước Á Đông lấy con rồng làm biểu tượng của dân tộc, còn nước Pháp lấy chú gà Gô làm biểu tượng của dân tộc mình, bày tỏ khát vọng, mạnh mẽ, tỉnh táo bước vào ngày mới.

Mỗi năm tết đến xuân về, trên bàn thờ gia tiên của người Việt thường có dĩa xôi, con gà. Sau khi cúng, người ta coi cặp chân gà luộc, đoán biết được vận hạn, tốt xấu, hên xui của gia chủ trong năm mới.

Tóm lại: Gà là con vật đẹp mã, có bản năng tốt, ích lợi đối với con người, được con người quý mến.

TRƯƠNG CÔNG GIANG