Gà trong tiếu lâm

Cập nhật, 09:15, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Theo các nhà khoa học, gà là hậu duệ của một loại khủng long đẻ trứng biết bay, nó được sinh ra từ các dị biến về nhiễm thể dưới tác động của môi trường sống…

Vậy nên, con gà sớm gần gũi với con người và được họ thuần dưỡng thành một loài gia súc. Mối liên hệ này thể hiện rất rõ qua các câu chuyện được con người truyền lại cho hậu thế từ nghiêm túc như chuyện ngụ ngôn, các bài thuyết giảng của các tôn giáo, trong thơ ca cho đến các chuyện tiếu lâm lếu láo như dưới đây:

Tiếu lâm thì không chừa lĩnh vực nào, xen vào cả các chuyện ngụ ngôn dạy đời như chuyện ngụ ngôn sau đây của phương Tây.

Chuyện ngụ ý rằng, các quan tham vì ăn bẩn nên bao giờ cũng sợ dân dòm ngó dù lúc nào trong tay cũng đầy quyền lực: Trời sinh ra sư tử và khiến muôn loài đều sợ, nhưng lại cho nó sợ con gà trống.

Sư tử thắc mắc thì được trời giải thích: Muôn loài chẳng có loài nào hoàn hảo, ngươi đứng hàng lãnh đạo ăn thịt được mọi loài từ chết đến sống mà chỉ còn sợ gà trống thôi thì còn đòi gì nữa? Nó nghe vậy không dám cãi nhưng ấm ức lắm.

Một hôm sư tử gặp một con voi to, thấy voi cứ vẩy tai không ngừng nên lấy làm lạ bèn hỏi thì được voi cho biết phải làm vậy vì sợ muỗi, bởi muỗi chui vào lỗ tai châm chích thì chịu không thấu! Sư tử ngẫm nghĩ: Voi to thế còn sợ con muỗi bé tí thì mình sợ gà trống có gì là nhục (?!).

Có lắm chuyện như trên nên nhiều người cho rằng trong chửi rủa cũng có “văn hóa chửi”. Chẳng hạn như chỉ chuyện mất gà mà câu chửi cũng nặng nhẹ theo vùng miền.

Ở miền núi Nùng sông Nhị thì: “Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn.

Con gà nó ở nhà tao nó là con gà, nó sang nhà mầy nó là thằng đanh đỏ mỏ”. Độc địa thế nhưng khi vào miền núi Ngự sông Hương thì câu chửi mất gà này đã đổi tông nhưng nghe qua cũng chẳng thua kém: “Hôm qua tao mất con gà mái dầu khoang cổ.

Hôm ni tao mất con gà mái nổ khoang bông. Con mô bắt là gái trốn chúa lộn chồng. Thằng mô bắt là đàn ông ba đời đi ở đợ.

Tụi bay hãy vén mái tai, gài mái tóc, chống cửa ngõ nhà cao, chặt hàng rào cho thấp mà nghe tao chửi. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho vợ bay kinh; bay ăn cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết, để một mình bay ăn!”

Còn đi sâu vào lĩnh vực văn hóa thì cũng không thiếu các câu hát, câu hò đậm chất tiếu lâm. Chẳng hạn như ngay trong nghệ thuật ẩm thực của người xưa đã có những xác nhận về độ “ngon” đầy ẩn ý của các đấng mày râu liên quan đến con gà được truyền đời chẳng biết nên xếp chúng vào loại nào, có thể kể như: “Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ/Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràn, gà mái ghẹ”.

Chẳng thế, trong truyện Kiều- một kiệt tác văn học, cụ thi hào Nguyễn Du cũng đã viết: “Nước vỏ lựu, máu mào gà/Nước màu chiêu tập lại là còn nguyên”.

Ấy, ấy! Ai đó có quét chút máu mào gà qua “hang cắc cớ” thì khách làng chơi nào mà không tưởng mình đang đi qua “khải hoàn môn!”

Con cháu các cụ ngày nay cũng đâu chịu… thua, không thiếu các chuyện tiếu lâm liên quan đến con gà. Chẳng hạn mấy câu thơ thẩn tiếu lâm không biết tác giả là ai mà chỗ nào cũng gặp như: “Kiếp gà trống thật vẻ vang/“Đạp” xong vổ cánh gáy vang đất trời”.

Họ còn cập nhật cả tính thời sự: “Cúm gà chỉ chết mình gà/Cúm chim thì chết cả bà… lẫn ông”. Nếu các chuyện tiếu lâm của các cụ về gà thường nghiêng về lão gà trống thì lớp hậu sinh không chừa cả các ả gà mái: “Có con gà mái mơ hoa/Nó đi tìm trống đỏ phơ cái mào/Đỏ thì đỏ kệ xác tao/Nếu không tìm trống thì tao ế hà!” Có vô số thơ tiếu lâm rất “mặn” về gà.

Chẳng hạn như bài… đá gà có tính chất nội bộ bất phân thắng bại ngày mùng hai tết: “Mùng một thì cúng ông bà/Mùng hai ông bà bắt gà đá chơi/Gà ông ngóng cổ gáy hơi/Gà bà chực sẵn chờ thời gà ông/Gà ông chém trúng cạnh mồng/Gà bà tức giận ngậm cần gà ông/Đá nhau một chập ướt lông/Gà bà bị cựa, gà ông gục cần”.

TRUNG TÍN (st)