Săn lùng gà ngoại

Cập nhật, 09:02, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Có giá gấp 4- 5 lần so với các giống gà trong nước, nhưng lợi thế là có mã đẹp, to cao, dai sức, nên các giống gà ngoại đang được nhiều người săn lùng. Gà được nhập về theo dạng chim kiểng hoặc “xách tay” từ Mỹ.

Gà lai giữa 2 giống Pure và Pyle.
Gà lai giữa 2 giống Pure và Pyle.

Một người chuyên kinh doanh gà ngoại cho biết, gà nhập từ các nông trại bên Mỹ về có giá từ 1.200 USD/con (khoảng 25 triệu đồng), tuy đắt đỏ nhưng nếu chăm sóc tốt và lai tạo được sẽ đạt giá trị kinh tế rất cao.

Bên cạnh việc nhập về trực tiếp gà chọi, gà kiểng để bán, thì các giống gà khác cũng được nhập gà bố mẹ về để lai tạo, giá từ vài ngàn USD/cặp.

Có kinh nghiệm nuôi gà ngoại 2 năm, anh Trương Văn Thanh (Mang Thít) cho biết: Năm nay khách đặt hàng nhiều nên tháng nào cũng nhập về. Phí vận chuyển cũng tùy theo từng loại gà. Cụ thể, gà nhập từ Mỹ có giá từ 1.000 USD/con, phí vận chuyển về Việt Nam khoảng là 180 USD/con gà che, 220 USD/ con gà nòi.

Anh Thanh cho biết thêm, sau 2 năm kinh doanh giống gà ngoại này đã bán hơn 200 con. “Tôi rất thích các giống gà ngoại, có giá trị kinh tế cao lại đẹp mã nên nhiều năm nay tôi tự tìm hiểu, học hỏi thêm rồi mày mò tìm cách lai tạo gà con từ gà bố mẹ nhập ngoại.

Gà ngoại có mã đẹp, giá trị kinh tế cao nên được nhiều người săn lùng.
Gà ngoại có mã đẹp, giá trị kinh tế cao nên được nhiều người săn lùng.

Gà nhập về lai tạo rất khó, chi phí khá cao, các giống mới “ngốn” rất nhiều tiền”- anh Thanh nói.

Theo anh Thanh, tính từ lúc lai tạo đến khi bán gà được cũng khoảng 8- 9 tháng. Quan trọng nhất là khâu chăm sóc, chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh vì gà ngoại hay bị bệnh và khó nuôi do môi trường khác biệt.

Cũng vì vậy, không ít người mang nợ vì thiếu kinh nghiệm. Chăm sóc không tốt, gà lai không đạt chất lượng thì… coi như thua, không ai mua. Do đó, với những người “ngoại đạo” mới vào nghề thì nên tìm hiểu kỹ trước khi nuôi.

Gà lai giữa 2 giống Grey và Jap.
Gà lai giữa 2 giống Grey và Jap.

Tuy nhiên, phương pháp lai tạo có ưu điểm là lợi nhuận cao, có khi lời gấp đôi so với vốn bỏ ra ban đầu, không ít người làm giàu nếu kiên trì theo đuổi nghề này.

Ví dụ, gà chọi Mỹ có sức đề kháng yếu hơn gà Việt, lối đá cũng khác hẳn gà Việt. Nhưng gà ngoại có tim, gan nhỏ hơn, nên khó “dính cựa” hơn, tốc độ, khả năng ra đòn cũng mạnh hơn gà ta. Khi lai tạo giữa chúng với gà ta sẽ cho ra bầy con kết hợp được cả 2 ưu điểm của 2 giống gà.

Mỗi dòng gà cũng có những đặc tính riêng, gà nhập từ Mỹ có rất nhiều dòng như: Hatch, Kelso, Asil, Jap... Cụ thể như, dòng Hatch là dòng căn bản để lai tạo, Kelso có lối đá thông minh, Asil chậm nhưng chắc, dùng để lai với Kelso, Jap thì dùng pha với Hatch,...

Giá các loại gà này tương đương nhau nếu là “2 máu”. Ví dụ Hatch lai với Jap giá sẽ rẻ hơn gà Pure với Hatch hoặc Pure với Jap vì Pure là gà “1 máu” thuần chủng.

Hiện điểm lai tạo của anh Thanh có khoảng 60 cặp gà bố mẹ, gà đang chờ giao cho khách khoảng 100 con. “Năm nay năm Gà nên sức tiêu thụ cũng tăng hơn so với vài năm trước. Gà đẹp nên nhiều người tìm đến mua, chủ yếu là khách hàng ở miền Tây”- anh Thanh nói.

Có thể thấy, không chỉ là một thú chơi hấp dẫn, một nghệ thuật đòi hỏi lắm công phu, người nuôi gà không chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà còn là những người thực sự đam mê, thật sự tinh tường và am hiểu về nghề.

“Chỉ cần thấy thành quả mình lai tạo thành công là đã hạnh phúc lắm rồi”- một người kinh doanh gà nhập chia sẻ.

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯNG