"Tránh xa đa cấp"

Cập nhật, 08:46, Thứ Ba, 01/03/2016 (GMT+7)

Kinh doanh đa cấp du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây là một loại hình kinh doanh không tạo ra sự gia tăng giá trị về vật chất cũng như xã hội.

Lợi nhuận thu được chủ yếu từ việc hưởng phí hội viên của các thành viên và phần lớn chảy vào túi của công ty tổ chức và một nhóm người tham gia ban đầu. Những người đầu têu biết lợi dụng tâm lý, nguyện vọng, sở thích chính đáng của người dân, để tạo dựng ra các công ty kinh doanh.

Số “thủ lĩnh” đứng ra tổ chức hoạt động kinh doanh đều khéo tuyên truyền: Nào là sản phẩm của họ “tốt nhất”; nào là mọi người phải phấn đấu trở thành những nhà đầu tư thông minh…

Đặc biệt, những người đầu têu kinh doanh đều khoe khoang mức lương hiện nay của họ đã khiến không ít người nhẹ dạ cả tin, “bập” vào đầu tư kinh doanh sản phẩm “tốt nhất” bằng hình thức mạng đa cấp.

Gần đây hàng loạt vụ kinh doanh đa cấp được phanh phui cho thấy, cần phải lên án và xử lý những sản phẩm nêu trên vì nó vừa đắt, vừa “đểu”. Như vậy là sản phẩm “treo đầu dê, bán thịt chó”, hay gọi vắn tắt là hàng “đểu”.

Từ bài học kinh doanh đa cấp và hậu quả để lại đã qua, có lẽ đã đến lúc Nhà nước cần có những hành động quyết liệt.

Đã nhiều năm qua, dư luận liên tục phê phán, lên án bán hàng đa cấp là lừa đảo không phải là không có lý do. Với sự tinh vi và hoạt động dựa trên lòng tham của con người là cực kỳ nguy hại đến xã hội, người dân nhẹ dạ, ham tiền nên dễ bị lừa.

Nhưng, đáng trách hơn là các cơ quan chức năng còn quá chậm chạp, buông lỏng, lúng túng trong việc quản lý, gây ra tình trạng “dở khóc, dở cười” cho biết bao nhiêu người. Vì họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh lừa đảo. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phát huy vai trò năng lực quản lý của mình để đảm bảo sự công bằng, lợi ích cho người tiêu dùng và trên hết là sự ổn định xã hội. 

HOÀNG HÀ