Bắt đúng bệnh

Cập nhật, 08:11, Thứ Ba, 23/02/2016 (GMT+7)

Trường đào tạo về kinh doanh INSEAD phối hợp với Tập đoàn Adecco và Viện Human Capital Leadership Institute của Singapore vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) 2015- 2016.

Theo đó, với chủ đề “Thu hút nhân tài và Chuyển dịch quốc tế”, Việt Nam đứng thứ 82/109 nước và vùng lãnh thổ. So với báo cáo GTCI được công bố cùng thời điểm này của năm ngoái, Việt Nam bị tụt 7 hạng.

Đáng chú ý, yếu tố “Kỹ năng toàn cầu- Global Knowledge”, tức sử dụng các kỹ năng cao để hỗ trợ các sáng kiến và tham gia vào kinh doanh, Việt Nam xếp hạng 52. Tuy nhiên ở mục “Lao động tay nghề- Labor & Vocational”, Việt Nam bị tụt lại khi chỉ xếp hạng 95 trong 109 nước.

Phải nói rằng, đây là con số quan trọng chỉ cho ta biết mình đang đứng ở đâu trên bản đồ năng lực cạnh tranh nhân tài và cần nhắm vào đâu để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong phát triển kinh tế.

Bảng xếp hạng này cho chúng ta biết rõ hơn vị trí của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Đáng nói hơn cả là trong hạng mục “Lao động và tay nghề”, Việt Nam “tụt hạng” chỉ đứng ở vị trí 95/109.

Bởi vậy, có thể nói, bảng xếp hạng này phản ánh thực chất của nguồn nhân lực Việt Nam.

Dù cho hệ thống giáo dục ĐH cho ra đời hàng năm hàng vạn kỹ sư, cử nhân, thậm chí cả thạc sĩ; vậy nhưng doanh nghiệp vẫn cứ mệt mỏi vì không tuyển được nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc, hoặc chấp nhận tuyển dụng để rồi… phải đào tạo lại. Không thể nói là các nhà quản lý không đau đầu trước con số thống kê 225.000 lao động có trình độ ĐH trở lên đang… thất nghiệp.

Báo cáo xếp hạng đã “bắt trúng bệnh” về nguồn nhân lực Việt Nam. Lâu nay, ta vẫn loay hoay với việc thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng nghề. 

HOÀNG HÀ