Nhất nước, nhì phân...

Cập nhật, 09:06, Thứ Ba, 29/03/2016 (GMT+7)

Cơn mưa rào tối 27/3 ở một số nơi thuộc ĐBSCL dù mưa nhỏ, nhưng cũng làm giảm bớt nhiệt độ nắng quá nóng những ngày qua, giúp người dân cảm giác thoải mái trở lại.

Từ cơn mưa này, ai cũng hy vọng những ngày tới sẽ tiếp tục có mưa để giảm tình cảnh khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt đang hoành hành ở ĐBSCL.

Theo quan sát thì vài ngày nay, nhiều nơi ở ĐBSCL vào ban ngày có nhiều mây, gió mạnh… nên nhiều người kỳ vọng có mưa. Hiện nay, các nước thượng nguồn sông Mekong xả đập thủy điện đã tạo ra dòng chảy nước ngọt về phía hạ lưu. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn phải chờ trong nhiều ngày tới mới đánh giá được tác động từ việc xả đập này.

Trước mắt, các địa phương đang huy động nhiều nguồn lực và nhân lực để điều tiết nước ngọt cho người dân sinh hoạt. Đồng thời, triển khai các giải pháp để hạn chế những rủi ro, thiệt hại do hạn- mặn gây ra.

Những ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam hiện nay chính là bài học đắt giá cho việc bảo vệ nguồn nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày một mạnh mẽ.

Câu thành ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” được ông cha đúc kết từ thực tiễn nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm đã khẳng định tầm quan trọng của nguồn nước tới sản xuất nông nghiệp- ngành kinh tế quan trọng của nước ta.

Không chỉ trong sản xuất, ngay trong đời sống thường ngày, việc sử dụng nước sinh hoạt một cách bừa bãi, lãng phí cũng đang trở thành thói quen xấu của nhiều người dân, từ nông thôn tới thành thị, nhất là những nơi có điều kiện về nguồn nước. Nhiều hộ gia đình rửa xe bằng… nước sạch hay xả nước ào ào mỗi khi tắm rửa, giặt giũ...

Thói quen ấy bắt nguồn từ nhận thức hết sức sai lầm về nguồn nước. Lâu nay, nhiều người vẫn lầm tưởng nước là nguồn tài nguyên vô tận nên thường sử dụng một cách tràn lan, lãng phí. 

HOÀNG HÀ