Trở lại thời mái đầm, xi tẹt

Cập nhật, 06:31, Thứ Ba, 22/03/2016 (GMT+7)

Những năm gần đây, với các chương trình đưa nước sạch, hơn 90% người dân nông thôn ĐBSCL xài nước máy. Người dân không còn khoan giếng, tháo dỡ cầu ao, bỏ thói quen trữ nước mưa.

Còn những ngày này ở ĐBSCL- nhất là những vùng nhiễm mặn- đi đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện nước ngọt, chuyện giá nước đang đắt như “cắt cổ”.

Bây giờ hộ dân nào cũng ráng tiết kiệm từng chút một những giọt nước mưa cuối cùng cho việc uống, nấu ăn; còn việc sinh hoạt thì đành phải sử dụng nước mặn để cho qua mùa hạn hán, xâm nhập mặn được xem là khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.

Trước thực trạng xâm nhập mặn, người dân đã bắt đầu nghĩ lại chuyện trữ nước mưa. Nhiều người đã chuẩn bị mái đầm, xây xi tẹt đón mùa mưa và trữ nước lại xài dần.

Nước mưa là loại nước “trời ban”, không mất tiền mua. Nếu biết khai thác tốt, nguồn nước mưa không những thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân mà còn là nguồn nước ngọt phục vụ cho chăn nuôi sản xuất.

Có điều là phải bỏ ra chi phí quy hoạch, xây xi tẹt hay mua lu mái đầm, thiết kế máng xối… mà đâu phải gia đình nào cũng có khả năng tài chính.

Một nông dân ở gần vàm Vũng Liêm cho biết: Mấy năm nay, nước mặn lấn dần vào, mùa khô thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nước máy thì mất liên tục.

Thấy vậy, tôi tận dụng diện tích trong nhà xây bể 7m3 chứa nước mưa, làm máng lấy nước từ mái tôn. Tổng chi phí xây dựng ban đầu hết 6 triệu đồng. Từ khi xây xi tẹt và mua một số mái đầm đến nay, gia đình không thiếu nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và nuôi heo gà...

Đã đến lúc chuyển từ ứng phó với hạn mặn sang thích ứng với hạn mặn rồi. Có lẽ biện pháp thiết thực nhất trong thời kỳ hạn mặn của mỗi gia đình là mua mái đầm, xây xi tẹt hứng nước mưa.  

HOÀNG HÀ