Nói về hạnh phúc

Cập nhật, 05:29, Chủ Nhật, 20/03/2016 (GMT+7)

Trong một sáng cuối tuần, với một câu chuyện nhỏ, có quá lớn lao không để nói về hai chữ “hạnh phúc”?

Song, thật ra, tất cả mọi người- mỗi người đều có quyền nói về hạnh phúc. Bởi hạnh phúc là ước mong, là khát vọng, là để vươn tới trong cuộc sống. Các nhà khoa học còn cho rằng, trong thế giới này, hạnh phúc là cảm giác mà chỉ có riêng con người mới có được.

Hạnh phúc- thật giản dị nhưng cũng thật mênh mông.

Hạnh phúc có thể là bữa cơm gia đình sau ngày làm việc mệt nhọc. Hạnh phúc có lúc là vừa giặt giũ, phơi phóng vừa nghe tiếng con trẻ sang sảng đọc bài. Hạnh phúc có khi là một ánh nhìn ấm áp, sẻ chia…

Những nhà tư tưởng thì nhìn hạnh phúc ở một góc độ lớn hơn. Hãy bớt nhìn ra ngoài và so sánh để nhìn vào chính mình (chứ không phải là tự “ngắm” mình) để mở lòng, bao dung, vị tha… điều đó sẽ mang lại hạnh phúc không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác nữa.

Không chỉ mỗi người mong muốn bản thân, gia đình được hạnh phúc, mà giờ đây, các quốc gia ngày càng chú trọng tạo dựng và “đo” mức hạnh phúc của người dân nhận được. Nổi bật là Bhutan, từ cách đây gần 50 năm đã thực thi mục tiêu “tổng hạnh phúc quốc gia” thay vì chỉ chú trọng vào tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là khởi nguồn của ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) với 193 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Thật ra, Việt Nam đã luôn hướng tới “hạnh phúc” từ rất lâu. Đó chính là dòng tiêu đề gồm 6 chữ “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” mà trong khoảng 70 năm qua luôn xuất hiện cùng với Quốc hiệu Việt Nam, từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/9/1945) đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay.

Đó cũng chính là mong muốn của Bác Hồ. Không chỉ đất nước được “độc lập, tự do” mà “ham muốn tột bậc” của Bác còn là “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cũng vì vậy, Độc lập chỉ có ý nghĩa khi đi liền với Tự do và Hạnh phúc.

Nếu khi đất nước còn kháng chiến, thì một lòng nói tới độc lập. Nhưng ngay sau ngày đất nước thống nhất (ngày 17/10/1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” rằng: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Chính vì vậy, hạnh phúc không chỉ là mong ước của mỗi người cho bản thân, gia đình mình, mà hạnh phúc còn là mục tiêu để cả đất nước hướng tới và phấn đấu thực hiện. Đó cũng là học tập và làm theo tư tưởng của Người.

PHƯƠNG NAM