Làm bạn với mặn

Cập nhật, 07:30, Thứ Sáu, 25/03/2016 (GMT+7)

Cơn hạn mặn lịch sử đang diễn ra ở ĐBSCL làm hàng triệu hộ nông dân lao đao trong sản xuất và sinh hoạt. Nhưng ở góc độ khác, nhiều nhà khoa học cho rằng giảm bớt diện tích trồng lúa nước, chuyển sang nuôi thủy sản tận dụng nguồn nước mặn sẵn có sẽ là cơ hội làm giàu cho nông dân ĐBSCL.

Giáo sư Võ Tòng Xuân- chuyên gia nông nghiệp- cho rằng Nhà nước và người dân phải chấp nhận và thích ứng. “Nên làm bạn với mặn vì nó sẽ là cơ hội làm giàu. Tư duy mặn là kẻ thù không còn phù hợp”.

Còn nhớ những năm trước đây, khi Cà Mau thực hiện chương trình ngăn mặn để trồng lúa thì xảy ra “cuộc chiến” dai dẳng giữa anh “Hai Lúa” (người làm ruộng) và anh “Hai Vuông” (người nuôi tôm nước lợ). Nhiều nông dân lén khai nước mặn vào ruộng để nuôi tôm và… không ít hộ làm giàu. Nhưng họ phá dỡ quy hoạch chung và gây thiệt hại cho ruộng lúa lân cận.

Một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về ĐBSCL cũng khuyên người dân nên dần thích ứng bằng cách chuyển đổi sang hệ thống canh tác mặn. Khư khư giữ cây lúa dưới danh nghĩa an ninh lương thực là không phù hợp vì Việt Nam đang xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. “Canh tác lúa trong điều kiện khắc nghiệt ven biển đã là không phù hợp, mà canh tác lúa trong mùa khô ven biển lại càng không phù hợp hơn”.

Sự chuyển đổi trên là hợp với quyết định của Chính phủ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị.

Vấn đề là sự chuyển đổi phải mang tính thực tiễn, khoa học. Bởi El Nino và La Nina có từ rất lâu đời, và thường có chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng có quy luật khá rõ ràng. Vì vậy, các nhà quản lý phải biết đưa các trị số tác động của 2 hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch mang tính chủ động, chứ không để “nước… mặn đến chân mới nhảy”!

HOÀNG HÀ