Niềm tin...?

Cập nhật, 07:40, Thứ Năm, 27/03/2014 (GMT+7)

Mấy ngày qua, dư luận lao xao về nghi án công ty của Nhật Bản hối lộ cán bộ ngành giao thông ở Việt Nam 16 tỷ đồng được phanh phui trên báo Nhật Bản.

Lao xao không vì đây là lần thứ hai một vụ tham nhũng liên quan đến nguồn vốn ODA giữa 2 nước Việt- Nhật được bắt đầu từ thông tin trên báo chí nước ngoài.

Lao xao vì vụ việc thể hiện rằng, sự tham nhũng phức tạp không phải chỉ ở những dự án thương mại, dự án đầu tư thông thường mà cả ở các dự án ODA, nghĩa là dùng tiền thuế của người dân Nhật Bản để Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam vay và kết quả người nộp thuế ở Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác phải gánh trả.

Bởi nên, nghi án này thêm một lần nữa đưa ra các cảnh báo về việc phải xem xét lại rất nhiều chuyện trong sử dụng nguồn vốn ODA cũng như vấn đề tham nhũng ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án đầu tư công.

Lâu nay, các dự án ODA được tuyên truyền quá nhiều, khiến nhiều người ngộ nhận ODA là khoản tiền cho không của nước cung cấp và về phía cung cấp ODA thì được xem như “ban ơn” cho người dân nước được nhận.

Có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, trong dự án này cũng như trong vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ với Công ty Tư vấn PCI trước đây, cả hai mới chỉ ở bước đầu là các công ty tư vấn mà mức độ tham nhũng đã là rất lớn.

Khi bàn thảo về Luật Đấu thầu vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói, người ta có thể tăng nó lên tới gấp 3 lần, cuối cùng chất lượng lại rất kém. Bằng mọi thủ đoạn rất xấu xa để vơ vét tiền thì người ta không cần quan tâm tới chất lượng công trình ra sao.

Dự án càng dài càng thu được nhiều tiền, kể cả bên giám sát hay bên nghiệm thu cũng vậy, cứ có tiền thì nhắm mắt giám sát, nhắm mắt nghiệm thu, bỏ mặc cho nhà thầu muốn làm thế nào thì làm, chất lượng muốn thế nào cũng được!

Tính nghiêm trọng của vụ việc (nếu có) thể hiện không chỉ ở số tiền tham nhũng mà nghiêm trọng hơn là mất niềm tin vào một bộ phận cán bộ.

AN ĐIỀN