Chợ truyền thống

Cập nhật, 11:15, Thứ Sáu, 28/02/2014 (GMT+7)

Theo xu thế phát triển, các chợ truyền thống đang bị lép vế dần trước sự lấn át của các kênh phân phối hàng hóa hiện đại, khi những nhà bán lẻ trong và ngoài nước ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, hiện vẫn còn trên 9.000 chợ truyền thống trên cả nước giữ vai trò phân phối đến 80% lưu lượng hàng hóa đưa đến tay người tiêu dùng, góp phần giải quyết số lượng lao động lớn cho toàn xã hội. Lý do: chợ truyền thống vẫn còn nhiều lợi thế như: hàng hóa phong phú, đặc trưng cho vùng miền; giá rẻ; người dân thuận tiện mua bán.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, các chợ truyền thống đang lâm vào tình cảnh ngày càng mất dần đi sức hút như việc kiểm soát vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Và nguyên nhân lớn nhất đó là quy hoạch phát triển chợ theo kiểu “nửa hiện đại, nửa truyền thống” đã gây ra nhiều bất cập. Nhiều khu chợ nông thôn trước nay tấp nập, khi Nhà nước đầu tư xây dựng chợ to đùng thì lại vắng người buôn bán, bởi tiền đóng mặt bằng, tiền thuê sạp hoặc không thuận tiện. Cũng vì đó, nhiều chợ “chồm hổm” tự phát mọc lên quanh đó và thu hút người bán người mua.

Trong đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2020, Bộ Công thương đã tham mưu Chính phủ tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động chợ truyền thống. Vấn đề đặt ra là trong thời kỳ hội nhập, chợ truyền thống có còn gìn giữ được những nét Việt?

Theo Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân- Viện Nghiên cứu thương mại, việc duy trì và phát triển chợ truyền thống là cần thiết. Những khu đô thị mới nên có không gian nhất định cho chợ truyền thống. Tất nhiên chợ truyền thống sẽ bị cạnh tranh, nhưng nên phát huy lợi thế của chợ truyền thống để duy trì và phát triển.

AN ĐIỀN