Đầu tư cho “tam nông”

Cập nhật, 15:45, Thứ Sáu, 28/03/2014 (GMT+7)

Những năm gần đây, Nhà nước đã tích cực đầu tư cho “tam nông”. Nhưng xét về mặt xã hội thì tổng mức đầu tư của các nguồn xã hội cho nông nghiệp, nông thôn không những không tăng lên mà lại giảm một cách đáng lo ngại.

Cách đây 10 năm, tỷ lệ đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 13,85% nhưng đến năm 2008 tụt xuống còn 6,45%, năm 2010 và 2011 chỉ còn khoảng hơn 6%...

Nếu tình trạng này tiếp diễn thì có tăng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cao hơn nữa, có thể lên đến 60%, 70% trong tổng vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách vẫn không đáp ứng được những nhu cầu rất lớn của nông nghiệp và nông thôn.

Một điều rất đáng ngại trong đầu tư cho lĩnh vực này là ngoài đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước, thì đầu tư từ các nguồn lực khác là rất hạn chế và ngày càng giảm. Vốn đầu tư FDI vào khu vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 1% đến 2% so với con số 7% đến 10% cách đây 10 năm.

Để hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, không còn cách nào khác là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công cho “tam nông”, đồng thời có những chính sách khả thi để có thể thu hút, đa dạng nguồn đầu tư cho khu vực này.

Việc tăng đầu tư cũng cần đi đôi với việc cải thiện chất lượng, tính hiệu quả và tính bền vững trong đầu tư cho nông nghiệp. Vấn đề cốt lõi là phải tăng cường cải thiện hệ thống chính sách hỗ trợ nông dân và đầu tư tài chính cho nông thôn.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nông nghiệp nổi lên là một điểm sáng tăng trưởng của nền kinh tế. Các nhà kinh tế cũng cho rằng, với tỷ lệ dân số trong khu vực nông nghiệp chiếm 2/3 dân số, kinh tế khu vực nông thôn phát triển là thị trường tiêu dùng lớn sẽ trở thành động lực để thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp trong nước phát triển.

Có thể khẳng định, ở Việt Nam ta, nông thôn mới là đất nước phát triển, nông dân có giàu đất nước mới thật sự giàu mạnh.

AN ĐIỀN