Tai nạn thảm khốc vì... con ốc

Cập nhật, 07:37, Thứ Tư, 26/02/2014 (GMT+7)

Thảm họa cầu treo tại Lai Châu khiến hơn 40 người đưa tang rơi xuống suối, 8 người chết và 33 người khác bị thương khiến cả nước bàng hoàng.

Vấn đề được mổ xẻ là do số lượng người qua cầu quá đông cùng lúc, khiến dây cáp bị đứt. Đã có hàng trăm ý kiến bình luận về phân tích này, trong đó đa phần cho là vì quá tải, bởi tải trọng thiết kế của cầu chỉ là 1,5 tấn, song cũng có một số ý kiến phản đối.

Ngoài ra, có ý kiến đã chỉ rõ nguyên nhân của vụ tai nạn thương tâm này, nói chính xác ra thì không phải do đứt cáp. Như phân tích của GS.TS Nguyễn Đình Cống- GS hàng đầu về chuyên ngành kết cấu xây dựng của Đại học Xây dựng, cho là do đứt ốc neo “tăng đơ”.

Theo ông Trần Xuân Sanh- Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải): “Kiểm tra thực tế cho thấy cáp cầu treo là loại chịu được trọng tải tới 79 tấn nhưng kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp”.

Kết cấu neo này đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng, song ở đây ốc neo- vị trí chịu tải yếu nhất- không có bảo vệ nên rất dễ bị gỉ sét, bào mòn qua thời gian.

Song, có một điều nên lưu ý khi qua cầu treo, cầu ở nông thôn- dù cầu có chắc chắn, mới xây dựng đi chăng nữa- là hết sức chú ý đến sự cộng hưởng khi có đoàn người đi qua và tránh bước cùng một nhịp.

2 câu chuyện sập cầu do cộng hưởng từ đoàn quân của Napoleon đánh chiếm Tây Ban Nha và đoàn quân của nước Nga khi qua cầu trên sông Volga vẫn còn lưu lại trong lịch sử thế giới. 

AN ĐIỀN