Từ ngày 1/7: người ở Móng Cái có thể làm hộ chiếu tại Cà Mau

Cập nhật, 21:29, Thứ Hai, 29/06/2020 (GMT+7)

Từ ngày 1/7, người dân có thể làm hộ chiếu tại bất kỳ nơi nào thuận lợi nhất. Đó là quy định nổi bật của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019. Cùng với 11 luật khác cũng có hiệu lực từ 1/7.

Làm hộ chiếu tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Làm hộ chiếu tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Làm hộ chiếu bất kỳ nơi nào thuận lợi

Từ ngày 1/7, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có hiệu lực quy định cho phép người dân chỉ cần có thẻ căn cước công dân có thể làm hộ chiếu tại bất kỳ nơi đâu thuận tiện nhất mà không cần phải có sổ KT3 như trước đây đối với trường hợp làm hộ chiếu tại nơi tạm trú.

Thông thường để có được hộ chiếu, người dân phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú hoặc nơi đang tạm trú. Nếu đăng ký tại nơi tạm trú bắt buộc phải có sổ KT3 (theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP).

Tuy nhiên, từ ngày 1/7, người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có thẻ căn cước công dân thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận lợi.

Như vậy, một người thường trú hoặc tạm trú ở Móng Cái (Quảng Ninh), chỉ cần có căn cước công dân thì có thể làm hộ chiếu tại Cà Mau hoặc bất kỳ tỉnh thành nào.

Người dân cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định để nộp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nào thuận tiện nhất.

Đồng thời, luật này cũng quy định từ ngày 1/7, nhiều loại hộ chiếu (Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông) cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được gắn chíp điện tử.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.

Chỉ còn 3 trường hợp viên chức biên chế suốt đời

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định hợp đồng không xác định thời hạn hay "chế độ biên chế suốt đời" chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (hiện nay tối đa chỉ đến 36 tháng). Theo đó, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1/7/2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12-60 tháng.

Luật này cũng bổ sung thêm 2 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển gồm: Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Ngoài ra, luật này cũng quy định hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Bỏ khái niệm "họp bất thường"

Từ ngày 1/7, Luật tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 có hiệu lực thi hành không còn khái niệm họp bất thường trong hoạt động của Chính phủ, HĐND và UBND mà thay vào đó sẽ là họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

Đáng lưu ý, về tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, luật này bổ sung: "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".

Tổng số đại biểu HĐND TP.Hà Nội, TP.HCM được bầu là 95 đại biểu (hiện nay là 105 đại biểu).

Bên cạnh đó, số lượng phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 2 người (đã được tăng thêm một người so với quy định hiện hành).

Từ ngày 1/7, Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018 cũng phát sinh hiệu lực quy định rõ phạm vi thông tin bí mật nhà nước thuộc từng lĩnh vực cụ thể cũng như thời hạn bảo vệ và giải mật.

Ngoài ra còn có các luật khác có hiệu lực như: Luật quản lý thuế 2019, Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019, Luật dân quân tự vệ 2019, Luật giáo dục 2019, Luật lực lượng dự bị động viên 2019, Luật thư viện 2019, Luật kiến trúc 2019, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019

Theo THÁI AN/TTO