Từ đầu năm 1956, máy bay ném bom chiến lược B-52 được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng và là "con Ách (Ace) chủ bài" của không lực Hoa Kỳ. Đây là loại máy bay có đến 13 lần cải tiến trong quá trình sử dụng để trở thành loại máy bay ném bom hạng nặng tiên tiến nhất cho đến nhiều năm sau này.
Bác Hồ đến thăm một đơn vị bộ đội tên lửa. Ảnh: Tư liệu |
Từ đầu năm 1956, máy bay ném bom chiến lược B-52 được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng và là “con Ách (Ace) chủ bài” của không lực Hoa Kỳ. Đây là loại máy bay có đến 13 lần cải tiến trong quá trình sử dụng để trở thành loại máy bay ném bom hạng nặng tiên tiến nhất cho đến nhiều năm sau này.
Một B-52 có khả năng mang một lượng bom trung bình đến 30 tấn và hoạt động có hiệu quả trên độ cao từ 9- 11km khi ném bom (thấp hơn độ cao được phép nhưng trên tầm bắn của các mạng lưới pháo phòng không thông thường), với các tiến bộ điện tử gây nhiễu tinh vi và “hàng rào” các máy bay chiến thuật theo bảo vệ, B-52 được không lực Mỹ huênh hoang là “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”, nên từ khi chiến tranh Việt Nam leo thang, họ đã không ngần ngại đưa B-52 vào chiến trường này, cũng là lần đầu tiên Mỹ đưa B-52 tham gia một cuộc chiến ở ngoài nước Mỹ.
Ngày 12/4/1966, B-52 cũng đến từ Guam ném bom đèo Mụ Giạ ở Tây Nam Quảng Bình, mở đầu việc B-52 ném bom ra miền Bắc. Ít lâu sau, chúng lại đánh ra Vĩnh Linh- phía Bắc giới tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội…
Quân dân miền Bắc không bất ngờ về việc này, ngay sau năm 1954 chúng ta thừa biết đất nước bị chia cắt sẽ không có hòa bình, nên trong kinh tế- quốc phòng đã chú ý xây dựng một mạng lưới phòng không nhân dân dày đặc với nhiều tầng theo điều kiện của ta và sự giúp đỡ về khí tài của các nước XHCN bè bạn.
Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, các phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt đều cho rằng họ không có sự lựa chọn nào trong mạng lưới phòng không có nhiều tầng này: bay tầng thấp sợ mạng lưới súng trường giăng bẩy khắp nơi của dân quân, tương tự bay tầm trung sợ mạng lưới pháo cao xạ các loại, còn bay tầm cao thì cao xạ không với tới nhưng có tên lửa SAM-2 hoặc máy bay MiG-21.
Nhưng khi đó việc đánh phá các mục tiêu của ta chủ yếu là các loại máy bay chiến thuật còn B-52 thì chỉ mới bắt đầu. Tuy vậy, những thông tin về mức độ tàn phá các mục tiêu B-52 đánh bom rải thảm cũng đã khiến một số người lo lắng...
Bác Hồ rất thấu hiểu nỗi lo này, ngày 19/7/1965 khi đến thăm Trung đoàn 324 bộ đội Phòng không- Không quân, Người đã khẳng định quyết tâm của Đảng- quân- dân ta là: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng !”
Khi đế quốc Mỹ bắt đầu đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc, Bác Hồ đã mời đồng chí Đặng Tính- Chính ủy Quân chủng phòng không- không quân, lên báo cáo tình hình đã giao nhiệm vụ: “Máy bay B-52 đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không- Không quân”.
Khi nghe lãnh đạo Quân chủng Phòng không- Không quân báo cáo ý đồ của quân chủng đưa một số đơn vị về phía Nam tìm cách đánh B-52, Người khen: “Đúng, muốn bắt cọp phải vào tận hang cọp!”.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân miền Nam đã giáng cho đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn một đòn nặng nề khiến địch càng cay cú.
Với tài thao lược của một lãnh tụ, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Phùng Thế Tài- Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc trách chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi thua nó mới chịu thua… Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì vậy, nhiệm vụ của chú rất nặng nề” .
Nghe theo lời dạy của Bác, các lực lượng phòng không- không quân của ta từ lâu đã có những bước chuẩn bị theo các kế hoạch thật kỹ lưỡng và có các cách đánh B-52 rất bài bản.
Chính vì vậy khi bước vào trận quyết chiến sinh tử, họ đã bình tĩnh hợp đồng các binh chủng chủ động ứng phó với địch từ mặt đất đến trên không trong suốt 12 ngày đêm (từ 18- 29/12/1972) làm nên “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng: đánh thắng cuộc tập kích bằng không quân chiến lược mang tên chiến dịch Linebacker II của đế quốc Mỹ đưa lực lượng máy bay B-52 vào ném bom Hà Nội- Hải Phòng.
Từ chiến thắng này, Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom, trở lại bàn hội nghị ký kết Hiệp định Paris, chấp nhận rút hết quân viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho quân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975, thực hiện ước mơ của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
(Còn tiếp)
HỒNG VÂN- tổng hợp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin