Làm lúa, cứ mỗi nhà đôi ba công thì không biết khi nào mới thoát nghèo. Đó là chưa tính tới chuyện vươn lên khá giàu.
Làm lúa, cứ mỗi nhà đôi ba công thì không biết khi nào mới thoát nghèo. Đó là chưa tính tới chuyện vươn lên khá giàu.
Nhiều hộ nông dân ở xã Thuận Thới (Trà Ôn) đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa cây ăn trái, cây màu xuống ruộng, nhất là khi thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp thì sự chuyển dịch này càng rõ hơn.
Chủ động chuyển đổi cây trồng, giúp nông dân vươn lên khá giàu. |
Trồng cam cất nhà tường
2 căn nhà tường mới có chung hàng rào là cơ ngơi của chú Nguyễn Hoàng Nghĩa (ấp Vĩnh Thới) và con trai lớn.
Chú Nghĩa cười thật tươi: “Nhờ cam hết đó, cất 2 cái nhà, nuôi 3 đứa con ăn học và sang thêm 20 công đất”.
Ngày mới cưới vợ ra riêng với 3,5 công ruộng, vợ chồng chú đã mạnh dạn lên liếp trồng cam xoàn, rồi nhờ cam mà mua đất ruộng, rồi lại lên đất ruộng trồng cam,… Ngoài ra, chú Nghĩa còn tận dụng đất vườn trồng cỏ voi, nuôi 5 con bò.
Đưa chúng tôi ra vườn cam sành xanh mướt, vườn dừa xiêm oằn cây, chú Nghĩa nói: “Hồi đó, tui thấy trồng lúa không có lời nên lên liếp trồng cây ăn trái chứ có biết gì đâu, sau này xã phát động mới biết vậy gọi là cơ cấu lại nông nghiệp”.
Chú Nghĩa và bà con trong xã Thuận Thới được khuyến khích đã mạnh dạn hơn để “nghỉ mần lúa, chuyển sang trồng bưởi da xanh, cam sành,…”
Chú Nghĩa hái trái dừa xiêm rồi thoăn thoắt chặt 2 nhát lấy nước mời khách: “Nói thiệt, mần lúa trúng mùa trúng giá cũng không có lời bằng trồng cây ăn trái, trồng màu đâu. Thời điểm cam cao giá trước đây, có khi 1kg cam bằng giạ lúa, 1 trái dừa cũng từ 1kg lúa đổ lên”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Vân cũng nhờ lên liếp trồng cam và ổi mà cho thu nhập khá, đủ nuôi các con ăn học.
Gia đình chị Vân có 6,5 công đất; trong đó 4,5 công được chị lên liếp trồng cam sành và ổi Đài Loan, còn 2 công ruộng.
“Chỉ tính riêng ổi, mỗi đợt lời khoảng 10 triệu đồng, nếu trúng giá có thể lên đến 15 triệu/công”- chị Vân nhẩm tính.
Trong khi đó, nếu trúng giá cam sành thì có thể thu lợi nhuận cả trăm triệu đồng/năm. Với diện tích đất không nhiều như gia đình tôi, nếu chỉ làm ruộng lúa thì không thể nào nuôi con học ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh nổi”- vợ chồng chị cười thật tươi, nói vậy.
Nói về chuyện cơ cấu lại nông nghiệp, ông Tô Văn Em- Chủ tịch Hội Nông dân xã- cho biết: “Cỡ 5 năm trước, hơn 900ha lúa nhưng đến nay thì chỉ còn độ 1/3 diện tích trồng lúa”.
Đặc biệt, chuyển đổi hơn 77ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác, giá trị thu hoạch cao hơn nhiều so với lúa, như cây cam sành cho lợi nhuận trên 190 triệu đồng/ha/năm.
Vẫn còn “trông nhiều bề”
Tổng diện tích đất nông nghiệp xã Thuận Thới là 1.222ha, trong đó cây lâu năm 885ha, cây hàng năm 324ha, còn lại là diện tích nuôi thủy sản trong mương vườn với quy mô nhỏ.
Mặc dù vậy, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những năm qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, trong khi năng suất có tăng nhưng còn chậm; giá cả không ổn định, đặc biệt là giá cam sành và heo hơi giảm mạnh, người dân không có lời.
HTX nuôi trùn quế được thành lập sẽ giúp các hộ chăn nuôi bò tăng thu nhập. |
Đã có chút đỉnh để dành nhưng chú Nguyễn Hoàng Nghĩa không khỏi “trông tứ bề” khi mà vườn cam đang vô mùa thu hoạch mà giá cam loại 1 chỉ 11.000 đ/kg.
Cầm chùm cam sai oằn, chú nhỏ giọng: “Mấy năm nay, cam được trồng nhiều quá, chắc cung vượt cầu rồi nên giá giảm cỡ phân nửa năm rồi, giá này thì lỗ”- chú nói thêm- “Nông dân tụi tui nếu được bao tiêu sản phẩm hoặc là đưa sản phẩm gần hơn tới người dùng, bớt khâu trung gian sẽ đỡ hồi hộp hơn”.
Khi diện tích trồng cam sành tăng ồ ạt kiểu tự phát, thì “những vườn cam mọc lên quanh ruộng lúa khiến người làm lúa cũng không trúng nổi, đó là chưa kể chuyện máy gặt đập không vào được”- ông Tô Văn Em băn khoăn.
Ông Phạm Văn Hậu- quyền Chủ tịch UBND xã Thuận Thới- cho rằng: Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của xã cũng có sự chuyển biến tích cực, theo hướng nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, góp phần đáng kể đưa nền kinh tế của xã phát triển, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 34,3 triệu đồng/năm và giảm 52 hộ nghèo, hiện còn 104 hộ nghèo (chiếm 5,32%).
Tuy nhiên, Thuận Thới vẫn còn nhiều chuyện phải làm, phải tham mưu để tạo đầu ra cho nông sản ổn định hơn, cho nông dân yên tâm sản xuất và có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.
Một hướng mới mở ra thêm cơ hội cho nông dân Thuận Thới là nuôi trùn giống, trùn thịt và thu phân trùn quế. Xã cũng sắp ra mắt HTX nuôi trùn quế với chừng 20 hộ tham gia. Theo anh Nguyễn Văn Thảo (ấp Vĩnh Thạnh) với nhà nuôi cỡ 100m2 trùn thì sau 3- 4 tháng sẽ cho thu nhập 10- 13 triệu đồng. Mô hình khép kín sẽ giúp nông dân có thêm thu nhập và tiết kiệm được chi phí trong chăn nuôi. Từ sản phẩm sẽ dùng để trồng cây, sử dụng con trùn để làm thức ăn chăn nuôi. Sau đó lại sử dụng phân bò, heo, gà để nuôi lại trùn quế. |
Bài, ảnh: HUYỀN THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin