Sống trong nơm nớp lo sợ vì nhà có thể bị sụp xuống sông bất cứ lúc nào nhưng khi nhiều lần được vận động di dời, người dân của dãy nhà khu vực chợ cá (đoạn từ Nhà lồng chợ cá Vĩnh Long đến bến tàu khách TP Vĩnh Long) vẫn chưa đồng ý, trong khi nguy cơ sạt lở khu vực này đang cận kề.
Sống trong nơm nớp lo sợ vì nhà có thể bị sụp xuống sông bất cứ lúc nào nhưng khi nhiều lần được vận động di dời, người dân của dãy nhà khu vực chợ cá (đoạn từ Nhà lồng chợ cá Vĩnh Long đến bến tàu khách TP Vĩnh Long) vẫn chưa đồng ý, trong khi nguy cơ sạt lở khu vực này đang cận kề.
Nhiều nhà ở khu vực chợ cá nghiêng hẳn về phía sông. |
Sống trong phập phồng
Theo ghi nhận của phóng viên, từ nhiều tháng nay khu vực từ nhà lồng chợ cá đến bến tàu khách TP Vĩnh Long (thuộc Phường 1- TP Vĩnh Long) đã bị nghiêng, lệch về phía bờ sông một góc khá lớn, toàn bộ dãy nhà như đang tụt dần về hướng sông.
Nhiều người dân sống ở dãy nhà chợ này cho biết: Tình trạng nghiêng, nứt nhà tại khu vực chợ này đã xuất hiện từ đầu năm đến nay.
Trước đây, toàn bộ dãy nhà chợ này không có dấu hiệu nghiêng, nứt nhưng từ khi triển khai thi công xây dựng kè tạm chống sạt lở thì dãy nhà bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt nghiêng hẳn về phía bờ sông, khiến người dân sống trong cảnh lo sợ, phập phồng.
Vừa qua, UBND TP Vĩnh Long đã có công văn thông báo về việc khẩn trương di dời nơi ở, hàng hóa và không kinh doanh tại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đối với 24 hộ dân đường mé sông chợ (đoạn từ chợ cá đến bến tàu khách).
Và tại một buổi họp dân mới đây, UBND TP Vĩnh Long đã đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 24 hộ dân để thực hiện dự án kè chống sạt lở.
Tuy nhiên, đa số hộ dân không đồng tình với các phương án được đưa ra. Nhiều hộ dân cho rằng, nguyên nhân xảy ra sụp, lún, sạt lở nhà dân là do quá trình thi công công trình kè tạm chống sạt lở từ đầu năm 2017.
Trong khi đó, khu vực này người dân đã sinh sống và mua bán lâu năm, nếu thực hiện theo phương án đề ra, người dân phải di dời đến nơi ở khác, phải thuê lại các dãy nhà để buôn bán thì cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Vương Kim Muỗi- sống tại dãy nhà này- bày tỏ: “Dù biết là nguy hiểm, lo lắng, phập phồng nhưng chúng tôi đang cần câu trả lời của các ngành chức năng về việc tại sao nhà cửa chúng tôi bị hư hại?
Chúng tôi đã buôn bán, sinh sống ở đây hàng chục năm nay, giờ bắt chúng tôi di dời nhưng lại không làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục thiệt hại của chúng tôi”.
Nên di dời để đảm bảo an toàn
Người dân chưa đồng ý với phương án bồi thường và di dời. |
Về nguyên nhân người dân cần di dời khỏi khu vực này, ông Nguyễn Trọng Hòa- Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng TP Vĩnh Long- giải thích: Khoảng giữa năm 2016, dãy nhà chợ Vĩnh Long đã có hiện tượng nghiêng về phía khu vực bờ sông.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở Phường 1, trong đó có đề cập di dời các hộ dân trên càng sớm càng tốt, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản và có phương án xây dựng kè để hạn chế tình trạng sạt lở.
Và dự án kè tạm chống sạt lở được khởi công, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công rọ đá, khi san lấp phần cát đá vào bên trong rọ đã tác động và xuất hiện vết nứt ở nhà dân.
Qua kiểm tra xác định nguyên nhân là do khối lượng cát bơm san lấp lớn đã tác động đến các nền nhà và khi chọn biện pháp thi công là bơm cát kéo theo lượng nước lớn tác động vào nền, móng nhà của người dân dẫn đến nền nhà hở hàm ếch khiến nhà dân bị nứt.
Cơ quan chức năng đã chỉ ra sai sót của đơn vị thi công bờ kè và đã kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tập thể có liên quan để xảy ra sự cố.
Theo đó, nhằm chống sạt lở bờ sông, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân khu vực này, đồng thời tạo mỹ quan và chỉnh trang đô thị, UBND tỉnh đã ban hành chủ trương đầu tư Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông khu vực sông Long Hồ (khu vực Phường 1- TP Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư gần 36 tỷ đồng.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vĩnh Long cho biết, dự kiến tuyến kè dài 120m, rộng 10m, tổng diện tích thu hồi khoảng 1.200m², trong đó có 711m² đất của 24 hộ dân và gần 500m² đất công cộng.
Về phương án bồi thường, UBND tỉnh đã ban hành giá đất cụ thể áp dụng bồi thường cho các hộ dân ảnh hưởng, đồng thời, hỗ trợ chi phí di chuyển, tiền thuê nhà đối với các hộ dân chờ bố trí tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ tái định cư phân tán hoặc tập trung (vào Khu tái định cư Phường 5, Phường 8 hoặc Phường 9).
Ngoài ra, sau khi thi công kè hoàn chỉnh, địa phương sẽ đầu tư xây dựng lại khu vực này, sau đó cho các hộ dân thuê lại để kinh doanh mua bán.
Ông Hồ Vũ Nam- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- cho biết: Trước đây, khu vực này đã được cảnh báo nguy cơ sạt lở nhưng do khó khăn về kinh phí nên UBND TP Vĩnh Long chỉ thực hiện công trình kè tạm chống sạt lở.
Đến nay, để triển khai dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông khu vực sông Long Hồ, việc giải tỏa là vì đảm bảo lợi ích và an toàn tính mạng tài sản cho người dân bởi khu vực này từ lâu đã được cảnh báo tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lún đất. Do đó, mong người dân phối hợp để đề án sớm được triển khai.
Theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng sạt lở ở khu vực này có chiều hướng xấu, nhưng 24 hộ dân ở khu vực dãy nhà chợ Vĩnh Long vẫn chưa chịu di dời do chưa thống nhất hướng giải quyết những bức xúc mà người dân yêu cầu.
Do đó, thời gian tới, chính quyền địa phương và người dân cần sớm có phương án thống nhất để đảm bảo quyền lợi và di dời khẩn cấp các hộ dân tránh tình huống xấu có thể xảy ra.
UBND Phường 2 (TP Vĩnh Long) cũng vừa phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vĩnh Long tổ chức họp dân để triển khai thực hiện dự án và công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình đê bao chống ngập TP Vĩnh Long khu vực sông Cái Cá cho hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Công trình đê bao nói trên nhằm hạn chế tình trạng ngập úng đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế và chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân và các công trình công cộng cho khu vực TP Vĩnh Long. Đồng thời, góp phần cải tạo môi trường, chỉnh trang và tạo mỹ quan đô thị khu vực trung tâm thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin