Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Phải xét nghiệm nhanh, xử lý mạnh

Cập nhật, 05:58, Thứ Sáu, 10/11/2017 (GMT+7)

 

Người tiêu dùng nên chọn nơi mua thực phẩm uy tín, chất lượng
Người tiêu dùng nên chọn nơi mua thực phẩm uy tín, chất lượng

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) thuộc Sở Công thương đã phát hiện việc tái chế mấy trăm ký bún cũ đã bốc mùi ôi thiu, ngả màu đen mốc do tiểu thương bán không hết trả lại và 1,6kg hóa chất dùng để… “chế biến” bún.

Mua gì, ăn gì, chọn thực phẩm như thế nào để an toàn cho sức khỏe là lo lắng của rất nhiều người tiêu dùng trước tình trạng thực phẩm bẩn như hiện nay.

Buôn bán kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác, song mỗi khi sự việc được phanh phui, các cơ sở vi phạm thường chỉ bị xử phạt hành chính, vẫn chưa có chế tài xử lý mạnh để răn đe.

Có kiểm tra là có vi phạm

Hiện nay, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang khiến rất nhiều người bất an, bởi vi phạm ngày càng nhiều và thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ cơ sở sản xuất, chợ cho đến bếp ăn tập thể, quán ăn…

Song, những thực phẩm bẩn này chỉ bị phát hiện khi có sự vào cuộc của ngành chức năng, còn nếu không thì chúng vẫn nghiễm nhiên được bày bán, “hô biến” thành món ăn thơm ngon.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT đã phát hiện và xử lý 64 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 210 triệu đồng.

Đáng nói là các vi phạm là những hành vi cũ, “nói hoài nói mãi” như: kinh doanh thực phẩm không giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng chất phụ gia vượt giới hạn cho phép, sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn, mua bán thực phẩm hết hạn sử dụng, kinh doanh thịt gia súc không dấu kiểm soát giết mổ…

Chỉ tính riêng trong quý III/2017, các đội QLTT cũng đã test nhanh 173 mẫu, qua đó phát hiện 16 mẫu dương tính với thuốc bảo vệ thực vật và hàn the. Đoàn kiểm tra đã cho người bán cam kết và vận động tự tiêu hủy sản phẩm không an toàn.

Mới đây, Chi cục QLTT cũng đã phát hiện việc tái chế bún từ bún cũ đã bốc mùi ôi thiu từ mấy trăm ký bún cũ đã ngả màu đen mốc do tiểu thương bán không hết trả lại và 1,6kg hóa chất dùng để “chế biến” trong sản xuất bún.

Người lao động của cơ sở này không được trang bị bảo hộ lao động, khu vực sản xuất không đảm bảo vệ sinh và cũng không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến hoạt động sản xuất.

Lo lắng, hoang mang, không biết đi chợ mua gì, chọn như thế nào mới là thực phẩm sạch, là tâm trạng hiện nay của rất nhiều người tiêu dùng.

Chị Lê Thị Loan (Phường 2- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Trước những thông tin về thực phẩm bẩn ngày càng nhiều, tôi rất lo lắng, không biết đâu là sản phẩm an toàn vì hầu hết các sản phẩm ở chợ từ rau, quả, thịt, thủy sản… đều không có nhãn, mác.

Chỉ khi ngành chức năng kiểm tra, xử lý thì mới biết thực phẩm bẩn, có hóa chất độc hại. Kêu người tiêu dùng phải thông minh thì thật là quá khó”.

Phải xử lý mạnh tay

Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến thực phẩm mất an toàn như hiện nay là do một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp quy định của pháp luật đưa ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, người tiêu dùng nhất là ở những vùng nông thôn, có thu nhập thấp vẫn còn khá dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm. Đồng thời, chế tài xử lý vi phạm này còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính, số vụ xử lý hình sự thời gian qua rất ít.

Cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa về vi phạm an toàn thực phẩm.
Cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa về vi phạm an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng trên, Chi cục QLTT đã thường xuyên test nhanh các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả tại các chợ, các điểm kinh doanh quanh các khu công nghiệp, trường học. Qua đó, tác động tích cực đến nhận thức của người kinh doanh và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Tuy nhiên việc kiểm tra, test nhanh nếu có phát hiện dương tính với các chất cấm (hàn the, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở và vận động chủ hàng cam kết tiêu hủy hàng hóa vì đa số các trường hợp vi phạm đều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Ông Đỗ Hữu Quang- Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT- cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường giám sát các cơ sở mua bán thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm tươi sống để test nhanh về chất cấm, phụ gia ngoài danh mục, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật;

kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; tình hình bơm nước vào gia súc, gia cầm trước khi giết mổ. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để “nói không với thực phẩm bẩn” còn rất nhiều chuyện phải làm, bên cạnh sự kiểm tra của ngành chức năng, sự tự ý thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua thực phẩm để bảo vệ sức khỏe; thiết nghĩ cần phải có biện pháp xử lý thật mạnh tay.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 toàn tỉnh xây dựng 95 điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm (giai đoạn 2016- 2018 xây dựng 56 điểm; 2019- 2020 xây dựng 39 điểm). Định hướng phấn đấu đến năm 2020 tất cả các chợ hạng I, hạng II xây dựng được từ 5- 10 điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; đồng thời khuyến khích xây dựng các điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí an toàn thực phẩm tại các chợ hạng III.

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN