Biến đổi khí hậu ở Vĩnh Long

Thực trạng và xu thế biến đổi

Cập nhật, 05:41, Thứ Năm, 29/06/2017 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu-nước biển dâng (BĐKH-NBD) là vấn đề đáng quan tâm trong dư luận, các cấp chính quyền và công chúng hiện nay. Những năm gần đây, những yếu tố khí tượng thủy văn đã biến đổi sớm hơn dự báo và có xu thế thay đổi theo hướng tiêu cực hơn đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân trong tỉnh.

Sử dụng giống lúa ngắn ngày, giống cực ngắn ngày đặc sản để chịu đựng tác động của xâm nhập mặn, khô hạn ngày càng gay gắt.
Sử dụng giống lúa ngắn ngày, giống cực ngắn ngày đặc sản để chịu đựng tác động của xâm nhập mặn, khô hạn ngày càng gay gắt.

… Càng có nhiều loại hình thiên tai xảy ra

Kết quả nghiên cứu của Liên doanh nghiên cứu BĐKH (thuộc Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường) vào tháng 12/2016 cho thấy, một số yếu tố khí tượng thủy văn và thiên tai trong tỉnh Vĩnh Long có sự biến đổi rõ rệt, xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình thời tiết- khí tượng, thiên tai cực đoan, như mưa lớn, giông lốc xoáy, sạt lở bờ sông ngòi, kinh, rạch và hạn hán, xâm nhập mặn.

Lượng mưa tại 4 trạm: Mỹ Thuận, Vĩnh Long, Tam Bình, Trà Ôn trong những năm gần đây (2005- 2015) có xu thế giảm, mưa trái mùa thường xuất hiện.

Tuy nhiên, lượng mưa năm 2016 tăng bất thường, mùa mưa kéo dài từ cuối tháng 4/2016 đến tháng 2/2017, lượng mưa các nơi trong tỉnh từ 1.500- 1.900mm.

Nhiệt độ cao nhất và thấp nhất tại Vĩnh Long trong 25 năm qua (1991- 2015) có sự thay đổi nhẹ, nhưng trong thời kỳ 2005- 2015 có sự thay đổi đột ngột thất thường.

Kể từ 3 năm lũ lớn liên tiếp (2000- 2002) xảy ra ở ĐBSCL, vùng đầu nguồn ĐBSCL càng có khuynh hướng: lũ về và đỉnh lũ xuất hiện sớm, cường suất lũ gia tăng và thời gian duy trì lũ ngắn; vùng hạ nguồn ĐBSCL bị ngập nặng hơn vào cuối mùa lũ, các tháng cuối năm do triều cường kết hợp lũ cuối vụ. 

Ở Vĩnh Long, số liệu đo đạc cho thấy giai đoạn năm 1978- 2015, mực nước trung bình tại các trạm đều tăng, đặc biệt tại trạm Cần Thơ (khoảng 0,93 cm/năm).

Từ năm 2008- 2014, mực nước cao nhất năm (đỉnh lũ năm) trên sông Tiền tại Mỹ Thuận và trên sông Hậu tại Cần Thơ đều xấp xỉ và vượt 2m. Riêng trong mùa lũ năm 2011, đỉnh lũ trong tỉnh đã đạt mức kỷ lục mới trong dải quan trắc từ trước:

Trên sông Tiền, tại Mỹ Thuận mức nước đạt mức 2,03m, trên sông Hậu tại Cần Thơ lên mức: 2,15m; mực nước nội đồng đều vượt 1,8m.

Rồi liên tiếp các kỳ triều cường cuối năm 2012, 2013, 2014, mực nước sông, rạch trong tỉnh lên ở mức rất cao, tương đương đỉnh lũ năm 2011.

Mưa lớn, giông lốc xoáy, sạt lở bờ sông ngòi, kinh, rạch và hạn hán, xâm nhập mặn là các loại hình thiên tai cực đoan thường xảy ra nhiều nhất.

Số liệu thống kê từ năm 2010 đến năm 2016 của ngành chức năng cho thấy, mỗi năm có hàng trăm căn nhà bị hư hỏng do giông, lốc gây ra. 2 năm có số nhà bị thiệt hại nhiều nhất là vào năm 2011: 345 căn (thiệt hại 2,66 tỷ đồng), năm 2012: 835 căn (thiệt hại 16,36 tỷ đồng).

Năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 105 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 21.251m bờ sông, kinh, rạch kèm theo và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn (ước tính có khoảng 5ha đất bị mất), có 154 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 6 hộ cần bố trí di dời.

Vào mùa khô các năm, độ mặn sông, rạch đã diễn biến theo xu hướng: xuất hiện sớm, độ mặn ngày càng gia tăng (đặc biệt là phía sông Cổ Chiên).

Mùa khô năm 2015- 2016, độ mặn lên mức kỷ lục đã làm 25.063ha cây trồng bị thiếu nước do hạn và bị nhiễm mặn (trong đó có 1.884ha bị hạn và 23.179ha bị nhiễm mặn, thiệt hại: 293,37 tỷ đồng).

Xu thế BĐKH trong thời gian tới

Tại kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Vĩnh Long (bản cập nhật vào tháng 12/2016) do nhóm Liên doanh nghiên cứu BĐKH thực hiện cũng cho thấy, các yếu tố khí tượng thủy văn như lượng mưa, mực nước, nhiệt độ, xâm nhập mặn có xu thế thay đổi theo hướng tiêu cực hơn đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân.

Về mưa, lượng mưa trung bình nhiều năm có xu hướng tăng dần qua các năm và các kịch bản: Đến năm 2020, lượng mưa nhiều năm ở Vĩnh Long vào khoảng 1492mm- mức thay đổi (so với thời kỳ 1980- 1999) dao động từ 1,19% theo kịch bản phát thải thấp và 1,41% theo kịch bản phát thải cao; đến năm 2030, tăng từ 1497mm (kịch bản thấp) đến 1506mm (kịch bản cao), tương ứng với mức thay đổi so với thời kỳ nền 1980- 1999 là từ 1,44- 2,35%; đến năm 2050, lượng mưa trung bình nhiều năm có thể lên đến 1536mm, tương đương với mức tăng 4,33% so với thời kỳ nền 1980- 1999 (kịch bản cao).

Giai đoạn năm 2020- 2030, mức tăng nhiệt độ khá đồng đều giữa các kịch bản, dao động trong khoảng 0,39- 0,770C. Đến năm 2050 nhiệt độ theo kịch bản phát thải cao tăng nhanh chóng, lên 1,420C so với thời kỳ nền năm 1980- 1999.

Mức nước dâng theo kịch bản phát thải trung bình, đến năm 2020 tăng 9cm, đến năm 2030 tăng 14cm và đến năm 2050 tăng 29cm.

Nguy cơ xâm nhập mặn, theo kịch bản phát thải trung bình, đến năm 2020: ranh mặn 10/00 sẽ lên tới ranh giới Vĩnh Long- Trà Vinh (trên sông Hậu), và ranh mặn 60/00 sẽ xuất hiện trên sông Cổ Chiên; đến năm 2030: ranh mặn 20/00 sẽ lên tới ranh giới Vĩnh Long- Trà Vinh (trên sông Hậu) và ranh mặn 80/00 sẽ tiến sâu vào thêm 1km.

Theo kịch bản phát thải cao: Đến năm 2030, ranh mặn 0,5 0/00 (trên sông Hậu) sẽ lên tới thị trấn Trà Ôn, ranh mặn 10/00 lên tới xã Thiện Mỹ và ranh mặn 20/00 sẽ lên vượt qua ranh Vĩnh Long- Trà Vinh khoảng 2km (thuộc xã Tích Thiện).

Trên sông Cổ Chiên, ranh giới mặn 80/00 sẽ ảnh hưởng tới xã Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Đông và xã Thanh Bình; ranh giới mặn 50/00 sẽ vượt qua cù lao Dài (Quới Thiện); ranh mặn 10/00 sẽ ảnh hưởng tới xã Mỹ An (Mang Thít); ranh mặn 0,50/00 sẽ ảnh hưởng tới xã Đồng Phú, xã Bình Hòa Phước (Long Hồ).

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

TIN LIÊN QUAN