Thêm một vụ tàn phá vườn cam sành

Cập nhật, 04:53, Thứ Sáu, 06/01/2017 (GMT+7)

 

Một số cây dính thuốc nhiều như thế này dù không bị chết nhưng “không kết quả gì”.
Một số cây dính thuốc nhiều như thế này dù không bị chết nhưng “không kết quả gì”.

Thêm một vụ cố tình phá hoại cam sành xảy ra ở xã Trà Côn (Trà Ôn). Theo ông Nguyễn Công Tâm (ấp Ngãi Lộ A), có hơn 800 cây cam sành đang cho trái non bị kẻ xấu phun thuốc phá hoại. Điều đáng báo động là cũng tại xã này (ở ấp Ngãi Lộ B) đã có một vụ chặt phá 3.500 cây cam sành đang trong quá trình điều tra.

Thiệt hại cả trăm triệu đồng

“Ước tổng thiệt hại cả trăm triệu đồng, đó là chưa kể tiền công chăm sóc hàng ngày”- chủ vườn Nguyễn Công Tâm rầu rĩ cho biết rồi nói thêm: “Nếu tôi không cố gắng phục hồi cho cây thì con số thiệt hại sẽ tăng nhiều lần”.

Chủ vườn cho biết, toàn bộ 800 cây cam sành trong vườn đều bị ảnh hưởng, có một số cây bị ảnh hưởng nặng nề, không phục hồi được. Cạnh bên vườn của ông Tâm, hàng chục cây cam sành xung quanh bờ bao ngạn của anh Bảy cũng bị phun thuốc, rụng lá.

Nhắc lại vụ việc đã xảy ra, ông Tâm rầu rĩ nói: “Tôi đoán người ta phá vào đêm siêu trăng (15/11/2016) bằng cách phun thuốc cỏ cháy, vì sau đêm đó tôi ra vườn thì phát hiện tất cả đọt non trên cây đều bị héo”.

Tuy nhiên, ông nghĩ là do bị khô nên ông vẫn chăm sóc bình thường. “Nhưng 2 ngày sau, lá non bị khô cháy hết, lá già vàng, nhiều cây rụng sạch lá, trái héo queo. Hoảng quá nên tui mới trình báo cho bên công an”- ông Tâm kể lại.

Theo ông Tâm, diện tích vườn khoảng 1,5 công tầm lớn (hơn 1.500m2), cây cam sành trồng được khoảng 21 tháng, đang phát triển xanh tốt. Cây đã xử lý nghịch vụ, trái non “lớn bằng ly uống trà, khoảng 4 tháng nữa là sẽ thu hoạch lứa cam đầu tiên”.

Theo tính toán của nhà nông này, chỉ tính tiền giống, phân, thuốc, vật tư,… qua khoảng 21 tháng thì số tiền đã lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra, “công sức đổ vào vườn cam nhiều dữ lắm”. Chỉ những khâu xử lý ra hoa, hái bớt trái, treo trái, tạo tán,... đã tốn không biết bao nhiêu công sức của vợ chồng ông.

Ông Tâm nhẩm tính: “Tui đã có kinh nghiệm nên tui tính được khi xem trái trên cây. Đợt này, nếu như không có bị phá hoại, vườn cây của tui chắc cho trái từ 10 tấn đổ lên. Với giá vụ nghịch 25.000 đ/kg (tính giá thấp so với các năm qua) thì tổng số tiền bán ra hơn 250 triệu đồng rồi”.

Không bỏ cuộc, ông vay mượn tiền hơn chục triệu đồng để tiếp tục đầu tư phân, thuốc mong muốn “cứu vớt” lại vườn cây của mình. Ngoài ra, “công sức đổ ra để chăm sóc cho cây hư còn gấp nhiều lần hơn bình thường. Nhờ vậy, hiện qua hơn 50 ngày, cây đã gượng dậy, chắc phục hồi được khoảng 60%”.

Mong sớm tìm ra thủ phạm

Trao đổi với người dân trong khu vực xã Trà Côn và lân cận như Nhơn Bình, Thới Hòa,…(Trà Ôn), rất nhiều người dân- đặc biệt là các nhà vườn trồng cam- vô cùng lo lắng. Bởi cách đây không lâu, vào đầu tháng 9/2016 đã xảy ra vụ 3.500 cây bị chặt phá. Đó là vườn cây của 2 nông dân Lê Văn Chính và Lê Hoàng Tươi ngụ tại ấp Ngãi Lộ B, cũng thuộc xã Trà Côn này.

Theo quan sát, nếu vườn của 2 ông Chính và Tươi nằm giữa cánh đồng, xa nhà, thì vườn của ông Tâm chỉ cách nhà chừng vài chục mét. Xung quanh khu vực hầu như lên liếp trồng cam, chỉ còn một số ít diện tích làm lúa.

Sau 2 tháng phục hồi, nhà vườn đã cứu sống cây và “phát triển đạt 60% so với ban đầu”.
Sau 2 tháng phục hồi, nhà vườn đã cứu sống cây và “phát triển đạt 60% so với ban đầu”.

Hiện vườn của ông Tâm có dấu hiệu phục hồi, trái đang phát triển, ông hy vọng sớm tìm ra kẻ ác tâm để khỏi phập phồng lo lắng mỗi khi ra vườn. “Bởi nhà vườn chỉ chờ lúc trái sắp thu hoạch mới làm chòi, canh giữ. Thường từ trước tới nay chỉ có chuyện ăn cắp trái chín để bán, chứ đâu có ác tới nỗi phá hoại như vầy”- ông Tâm cho biết.

Còn ông Chính và ông Tươi cũng đang cố gắng khôi phục lại vườn cây của mình, hiện cây con mua về cũng đã phát triển xanh tốt. “Các cây bị phá, nhưng số ít được khôi phục và sống tốt thì cắt đọt, cho ngang bằng với cây mới để nó phát triển, sau này ra hoa đồng loạt”.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là: “Công sức đổ vào đây không biết bao nhiêu mà nói. Bởi, từ khi trồng lại đến nay, mỗi đêm, 2 anh em tui phải thay phiên nhau ra căn chòi này để canh giữ vườn cây con. Chưa tìm ra thủ phạm thì anh em tụi tui còn khổ dài dài, canh tới lúc chín thì chịu sao thấu”- ông Chính chua chát.

Theo quan sát, trong khu vực này nông dân đang chuyển dần từ lúa sang trồng cam sành. Do đó, khi vụ việc xảy ra, không chỉ người thiệt hại mà cả những người dân trong khu vực đều quan tâm, lo lắng. Tất cả họ rất mong muốn sớm tìm ra thủ phạm, để người dân an tâm phát triển kinh tế.

Hiện công an đang tiếp tục điều tra 2 vụ án trên.

Bài, ảnh: TẤN ANH