Lần đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long, Viện Võ học Việt Nam đã trao Bằng vinh danh môn phái Hắc Long và Danh nhân võ học cố đại lão võ sư Võ Thành Miêng (biệt danh Mười Cùi, ở xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh).
Lần đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long, Viện Võ học Việt Nam đã trao Bằng vinh danh môn phái Hắc Long và Danh nhân võ học cố đại lão võ sư Võ Thành Miêng (biệt danh Mười Cùi, ở xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh).
Bị hãm hại tàn phế chân tay khác nào phế bỏ võ công, nhưng không khuất phục được bản lĩnh, ý chí của một nhân tài võ học, thầy võ Mười Cùi đã khai sáng nên môn phái lẫy lừng, đào tạo nên những lớp đệ tử hậu duệ tài năng, làm rạng danh vùng đất võ Bình Minh và góp phần vào tinh hoa võ Việt Nam.
Lễ tôn vinh môn phái Hắc Long và Danh nhân võ học cố đại lão võ sư Võ Thành Miêng. |
Giờ ít ai biết được vàm Tắc Từ Tải ở Cái Vồn (TX Bình Minh) vì sao còn có tên gọi dân gian là vàm Ông Phò? Bởi hồi đó, ở vàm sông này có ông Phò nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, từng nhiều lần giết cọp trừ họa cho dân làng nên được người đời ca tụng. Họ lấy tên ông để gọi cái vàm sông nơi gia đình ông đang sinh sống.
Ông Phò chính là thân sinh của Võ Thành Miêng- người sau này đã tạo nên nhiều giai thoại trong làng võ miền Tây và đã gầy dựng nên một võ phái lẫy lừng, đậm tính thực chiến, ngay cả khi bị hãm hại phế bỏ hết tay chân. Cố đại lão võ sư Võ Thành Miêng xứng danh là bậc kỳ tài trong làng võ Việt.
Cố đại lão võ sư Võ Thành Miêng (1910- 1987) quê ở xã Mỹ Hòa, sinh ra trong gia đình có truyền thống võ học nổi tiếng, ông tham gia phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Bộ. Vì thái độ bất hợp tác với giặc, nên Pháp đã bắt ông và chặt một phần tay chân, nên có biệt danh là Mười Cùi.
Tuy nhiên, theo lời kể của võ sư Nguyễn Thanh Trảo (Sáu Trảo, 77 tuổi), là một trong những lớp đệ tử đầu tiên của thầy Mười, thì thầy mình bị phục kích trong đêm ở chợ Cái Dầu (An Giang), khi vừa từ dưới ghe bước lên bờ. Ông bị chúng đập nát các bàn tay, bàn chân rồi trói chặt quăng xuống sông.
Thầy Mười đã vận sức tháo dây rồi lặn trốn về nhà một người quen cách đó hơn cây số. Việc đắp thuốc chữa trị thời đó không thể chữa hoại tử, làm rụng đi hai bàn chân và bàn tay trái. Bàn tay phải chỉ còn lại vài lóng ngón cái và ngón trỏ, ông có thể dùng hút thuốc, xỉa trầu.
Sau đại nạn đó, thầy Mười trở về Cần Thơ bắt đầu ấp ủ một chí hướng mới quyết tâm lập nên võ phái để truyền dạy hết tinh hoa võ học của bản thân cho thế hệ sau, thay mình hành hiệp trượng nghĩa giúp đời.
Ngạc nhiên một điều là vì lý do gì một thanh niên khỏe mạnh như Nguyễn Thanh Trảo, đã từng được thọ giáo 1 trong 3 ông thầy nổi tiếng võ Tiều từ bên Tàu qua nước ta thời đó (Lào Phuông, Lào Quý, Lào Thêm) lại có thể bái sư một người đã tàn phế như thầy Mười Cùi và quyết chí đeo đuổi tới cùng.
HLV Dương Thế Vinh (con trai trưởng của võ sư Dương Văn Tường) biểu diễn bài Siêu Xung thiên. |
Võ sư Sáu Trảo không giấu niềm tự hào mỗi khi nhắc đến thầy mình. Ông kể: Ngay tại địa điểm bến xe mới TP Cần Thơ ngày nay, hồi năm 1965 còn rất hoang sơ, ông tận mắt chứng kiến thầy Mười dũng mãnh thế nào, dù không còn tay chân nhưng đã cứu một học trò của mình bị 9 thanh niên giỏi võ dùng xích sắt vây đánh.
9 sợi xích sắt ra đòn hiểm độc quyết hạ sát, thầy Mười dùng xà quyền lăn lộn né tránh, dùng đòn chân lái thuận xộc thẳng vào cổ một thằng làm hắn văng xa mấy mét vô hàng rào nằm bất động.
Ông tiếp tục lỉa ngã thêm mấy thằng, bọn chúng kinh hồn dìu nhau bỏ chạy. Võ sư Sáu Trảo nói: “Từ đó tôi quyết lòng theo thầy học cho được bộ xà quyền. Những đòn thế có thể lấy yếu chống mạnh, lấy ít đánh đông. Nó huyền ảo, vi diệu lắm!”
Còn cái thời mà ông Võ Thành Miêng chưa bị tàn phế, vì bị chèn ép nhiều lần và bị thách thức, một mình ông đã đánh ngã liệt địa hơn 30 người tại xóm cà ràng ở Kiên Giang.
Đó chỉ là những chuyện kể từ lớp bạn bè, người thân chớ thầy Mười chưa hề hé răng, bởi cuộc đời ông còn ẩn giấu rất nhiều kỳ tích, giai thoại mà theo võ sư Sáu Trảo có thể kể tới sáng chưa hết chuyện. Nhưng thầy sống như một khúc bi tráng nén vào lòng nỗi thống khổ của một bậc đại cao thủ mà không còn thi triển được những tuyệt học của đời mình.
Như lời kể của võ sư Quách Hán Kiệt (TP Cần Thơ), những đêm khuya lặng lẽ cùng chai rượu, ông thường gửi gắm tâm sự đời mình vào những vần thơ ai vãn:
“Đêm khuya ngọn đèn leo lét
Thầy ngồi thức trắng canh thâu
Thầy ngồi thầy khóc các trò biết đâu
Ngọn roi, cước đá vô địch ấy
Thầy đành chôn chặt dưới mồ sâu”
Võ sư Quách Hán Kiệt gợi lại hình ảnh những ngày đầu thầy Mười về Cần Thơ, mình đã cõng thầy trên lưng đi hết chỗ này tới chỗ nọ tìm miếng đất phù hợp để mở võ đường gầy dựng nên môn phái Hắc Long.
Hồi thầy còn tại thế, tuyệt đối không một ai dám xưng võ sư, chỉ có một đại võ sư Võ Thành Miêng, chỉ duy nhất một người thầy khai sáng Mười Cùi.
Ngay như ông Ba Hoài- người đã nhiều năm cùng ông kề vai sát cánh- chỉ nhỏ hơn vài tuổi nhưng lúc nào cũng cung kính gọi “thầy”, xưng “con” đàng hoàng. Thầy Mười ngồi trên võng xem đệ tử tập luyện, ông đọc thiệu, quan sát chỉnh sửa, còn người đứng dạy trực tiếp luôn là ông Ba Hoài.
Kế đến là đệ tử Lê Hồng Chương, được xem là một trong những đệ tử chân truyền giỏi nhất, toàn diện cả múa quyền và thực chiến.
Võ sư Lê Hồng Chương cũng là người Cái Vồn (TX Bình Minh), nguyên là Trưởng Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam TP Cần Thơ.
Những năm 1970, thầy Mười trở về quê hương Cái Vồn, gầy dựng nên một lớp đệ tử thực tài, làm rạng danh vùng đất võ Bình Minh. Nếu như phía đệ tử Cần Thơ giỏi múa quyền biểu diễn, thì dân Cái Vồn đặc biệt giỏi thượng đài, đấu võ chuyên nghiệp khắp vùng ĐBSCL.
Ở TX Bình Minh ngày nay, võ sư Dương Văn Tường- nghệ danh thượng đài Lý Bá Tường- ở tuổi 57 ngày ngày vẫn mặc võ phục mang đai đi dạy từng đòn thế cho 4 lớp võ sinh ở các xã: Đông Thành, Mỹ Hòa, Thành Lợi và Trung tâm Hành chính TX Bình Minh.
Mỗi lớp có từ 30 học viên với học phí chỉ có 80.000 đ/tháng. 17 tuổi đã thượng đài, với hơn 20 năm dẫn quân Cái Vồn- Bình Minh đi đấu khắp đài miền Tây, kinh nghiệm thực chiến và chiến tích, võ sư Dương Văn Tường tự tin nhận định: “Võ Muay Thái làm sao lợi hại bằng võ cổ truyền dân tộc, tiếc là những quy định ngày nay đã làm mai một đi những công phu tuyệt đỉnh của võ Việt. 6 bộ tay trong của Hắc Long và bộ chỏ bén như gươm hễ nhập nội là đối thủ “rớt đài”, bộ gối thúc sườn, bộ đá ống phá chân, sức sát thương còn ác hơn Muay Thái.
Thành ra, võ ngày nay chỉ để “múa” biểu diễn là cốt yếu. Đó thật là điều đáng tiếc trong công tác giữ gìn truyền bá tinh hoa võ cổ truyền dân tộc!”
Võ sư Sáu Trảo bày tỏ lòng tôn sư và tự hào về môn phái Hắc Long, về tinh hoa võ Việt, ông dặn tới dặn lui: “Dịp nào ngồi lại bình tâm chú sẽ còn rất nhiều giai thoại về thầy, mà không thể nói hết trong một ngày một buổi.
Đời thầy có thể viết thành một pho sách quý về tài năng, đức độ của bậc đại cao thủ. Thầy tôi- cố đại lão võ sư Võ Thành Miêng là một bậc kỳ tài võ học Việt Nam!”
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin