Chàng sinh viên khởi nghiệp để chủ động tài chính

06:02, 15/02/2022

Lê Minh Hải (sinh năm 1999)- sinh viên năm cuối Trường ĐH Xây dựng Miền Tây chia sẻ, nhờ được sách "khai sáng" nên bắt tay khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hải cũng cho biết thêm: Đam mê khởi nghiệp để trải nghiệm, tự lo học phí và đang vươn tới kế hoạch tự chủ tài chính vào năm 30 tuổi.

 

Chân dung chàng sinh viên 10X Lê Minh Hải.
Chân dung chàng sinh viên 9X Lê Minh Hải.

(VLO) Lê Minh Hải (sinh năm 1999)- sinh viên năm cuối Trường ĐH Xây dựng Miền Tây chia sẻ, nhờ được sách “khai sáng” nên bắt tay khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hải cũng cho biết thêm: Đam mê khởi nghiệp để trải nghiệm, tự lo học phí và đang vươn tới kế hoạch tự chủ tài chính vào năm 30 tuổi.

Từ khi còn là học sinh, Hải đã “mâm” hết bộ sách “Dạy con làm giàu” (Bộ 13 tập của tác giả Robert Toru Kiyosaki) và nhiều quyển sách khác. Hải chia sẻ: “Chính nhờ sách Dạy con làm giàu đã giúp em manh nha suy nghĩ và bắt tay thực hiện các ý tưởng, dự án khởi nghiệp”.

Tính đến nay, Hải đã “kinh qua” 3 dự án và hiện đang cho chạy song song cả 3: “Anh bán hoa”, “Anh bán bún” và “Anh thợ vẽ”.

Với “Anh bán hoa”, khi còn là học sinh cấp 3, có được mấy trăm ngàn thì lấy đi mua cây kiểng để bán lại. Rồi lên năm nhất đại học, Hải lấy học phí học kỳ đầu mua cây kiểng để cho thuê lại. Hải cho biết, khi còn học cấp 3 Hải đã thích những gì liên quan đến nghệ thuật, thiết kế.

Khi tham quan nhà người bà con có vườn kiểng ở Sa Đéc (Đồng Tháp), em nảy sinh ý tưởng lấy vẽ lên những chậu cảnh mini đó để bán ở phố đi bộ. Đến khi lên năm nhất đại học, thấy mấy quán cà phê, trà sữa… có trưng hoa kiểng. Em lại nảy ra ý tưởng cho các quán thuê cây cảnh.

Thay vì quán phải mua, em cho thuê với giá từ 10- 20% giá trị của cây, chăm sóc đảm bảo cây luôn tươi tốt, hết tuần đổi cây khác để tạo mới mẻ cho quán. Em gắn địa chỉ Facebook, zalo… lên cây để khách đến quán thích cây thì rinh về.

Nhờ vậy, sản phẩm tiếp cận khách hàng dễ dàng mà không tốn tiền mặt bằng. Trong khi những quán cà phê, trà sữa thì mặt bằng đẹp sẵn. Khó khăn của em là lúc đầu gia đình không đồng ý, muốn em tập trung học.

Em liều lĩnh lấy học phí khoảng 6 triệu đồng để làm vốn. Kết quả cho thuê có lời, em vừa đóng học phí, vừa đem khoảng tiền đó về hoàn lại cho gia đình… Sau 2 năm, tích lũy được ít vốn, liền cùng anh trai mở quán “Anh bán bún”. Hiện quán bún đậu này đã được dời ra mặt tiền đường lớn hơn.

Dự án “Anh thợ vẽ” với tên dự thi tại cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần thứ 4 năm 2021 là “Ứng dụng công nghệ UV vào nghệ thuật vẽ tranh tường” đã xuất sắc đạt giải nhất. Là trưởng nhóm dự thi, Hải cho biết, dự án đã được triển khai khoảng 3 năm.

Mục tiêu là ứng dụng sự phát triển của công nghệ mang đến một góc nhìn khác về nghệ thuật vẽ tranh tường truyền thống, tạo ra những sản phẩm chất lượng nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi về mặt nghệ thuật.

Đồng thời, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao là các freelancer designer (nhà thiết kế tự do) làm việc ở mọi nơi đều có thể làm việc trực tuyến. Đặc biệt, “mang những sản phẩm vẽ tranh tường mang hơi thở miền Tây đến mọi ngóc ngách trên mọi miền Tổ quốc”.

Dự án này bắt nguồn từ việc Hải cho thuê cây cảnh ở quán của một thợ vẽ. Do thích vẽ, nên Hải xin anh chủ quán cho đi theo phụ hợ. Được chừng nửa năm, thấy Hải cũng có năng khiếu nên chủ quán cho học việc có lương.

 Hải luôn tất bật với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Hải luôn tất bật với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Sau đó, gặp được một số bạn học ngành kiến trúc- vẽ đẹp, nên thành lập nhóm, đi vẽ công trình ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang. Tình cờ đọc báo, Hải thấy giới thiệu bán máy in ở TP Hồ Chí Minh. “Vậy là tụi em chạy tới nơi xem máy. Đặc biệt là máy đó tích hợp máy tính nên chép qua in được”.

Về tính độc đáo, mới lạ của dự án, Hải tự tin nói: Đây là đơn vị đầu tiên kết hợp vẽ tranh tường truyền thống và máy in tường 3D ở miền Tây và cũng là đơn vị đầu tiên kết hợp ngành thiết kế đồ họa vào nghệ thuật vẽ tranh tường.

Những bức ảnh 3D có độ khó cực cao vẫn được thể hiện chính xác 100% nhưng với chi phí thấp hơn vẽ thủ công nhiều lần…

Theo Hải, vẽ tranh tường có thể phát triển tốt ở Vĩnh Long trong thời gian tới vì còn khá mới mẻ, thị trường nhiều tiềm năng khi tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch. Theo đó, gốm sứ, cảnh quan sông nước Vĩnh Long… sẽ dễ dàng được tái hiện qua hình thức vẽ.

Cho biết trong quá trình triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp gặp không ít khó khăn: Bán hoa kiểng trên phố thì phố bị đóng cửa. Mở quán bún thì gặp dịch bệnh COVID- 19 bùng phát. Do đó, phải tìm cách xoay trở như tìm kênh tiêu thụ khác; linh hoạt với “anh shipper”, “shipper xanh” để duy trì, vượt qua “sóng gió”.

Với vẽ tranh tường thì khó khăn hiện nay là chưa đủ vốn để mua máy in (khoảng 200 triệu đồng). Do đó, Hải đang lên phương án như vay vốn hoặc thỏa thuận khách hàng thanh toán trước để mua máy. Hiện nay, Hải đã xây dựng một “team” có khoảng 10 sinh viên.

Là một trong số đó, Nguyễn Tấn Luân- sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cho biết: “Kiến thức từ việc học chỉ quyết định một phần cho tương lai. Làm thêm giúp em trang trải phần nào chi phí học tập, rèn luyện kỹ năng mềm, có ích cho sau này đi làm”. Hiện đã có nhiều hợp đồng hơn, nhóm có thể chọn lọc bớt công trình nhỏ, chọn những công trình vừa sức.

Vừa học vừa làm, Hải cho biết, có “lương” để chủ động chi phí học tập, dành ra một khoản để kinh doanh, đầu tư nhỏ… Hiện các dự án đã vào guồng và có người thân quen hỗ trợ, quản lý. Hải xác định, tập trung ưu tiên việc học, ra trường làm việc theo chuyên ngành, hướng tới thành lập cơ sở kinh doanh riêng.

“Tuổi trẻ mà, có nhiều thời gian nên em cứ lao vào làm, dám ước mơ, đặt mục tiêu lớn. Mục tiêu của em là tự do tài chính năm 30 tuổi. Tự do tài chính không phải là ngồi không mà có nghĩa là lúc đó tài chính đã vững vàng, mình có thể làm những gì mình muốn, theo sở thích của mình, giúp ích cho cộng đồng”- Hải hào hứng chia sẻ.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh