Vang mãi bản hùng ca Điện Biên

Cập nhật, 05:19, Thứ Bảy, 23/03/2024 (GMT+7)

 

Đoàn Đại biểu cán bộ nữ tỉnh Vĩnh Long đã dâng hoa, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1.
Đoàn Đại biểu cán bộ nữ tỉnh Vĩnh Long đã dâng hoa, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

“Tự hào và hạnh phúc khi được về thăm Điện Biên. Những cung đường hướng về nơi này đều mang những giá trị lịch sử đặc biệt, đã giúp hiểu thêm về giá trị của hòa bình và những mất mát của chiến tranh; điều mà trước đây nhiều người chỉ biết qua những bài học lịch sử...”- đó là cảm nhận chung của gần 100 cán bộ nữ, nguyên là lãnh đạo đã nghỉ hưu; lãnh đạo nữ các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, huyện và phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khi được vinh dự tham gia hành trình về thăm vùng đất Điện Biên anh hùng.

Vừa đặt chân đến TP Điện Biên (tỉnh Điện Biên), cái mệt sau chặng đường dài trong chúng tôi dường như tan biến, thay vào đó là không khí trang nghiêm và vô cùng xúc động khi viếng thăm Đền thờ liệt sĩ và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Di tích lịch sử đồi A1.

Nằm ở phía Đông trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 là một điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, nhiều trận chiến ác liệt diễn ra trong suốt 39 ngày đêm.

Hai bên giành giật nhau từng tấc đất, mét chiến hào. Hơn 2.500 chiến sĩ đã nằm xuống đồi A1. Máu của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi chiến hào. Đến nay, vẫn còn rất, rất nhiều hài cốt các liệt sĩ mãi mãi yên nghỉ tại nơi đây đã trở thành một phần của A1 linh thiêng, huyền thoại.

Nằm cách chân đồi A1 khoảng vài trăm mét về phía Nam là Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Được xây dựng năm 1958, đây là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Trong đó, có ngôi mộ của các anh hùng như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can… nhưng cũng có rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên.
 
Bà Đào Thị Biểu- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, xúc động chia sẻ: “Tôi đến thăm Điện Biên lần này là lần thứ 5. Mỗi lần đến đây tôi đều rất xúc động, bùi ngùi, nhất là khi thăm nghĩa trang, rất là thương anh em bộ đội đã nằm xuống. Song tôi cũng rất vui mừng vì các điểm di tích luôn được chỉnh trang, tôn tạo phần nào bù đắp cho sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ vì cuộc sống yên bình hôm nay”.
 
70 năm là một thời gian dài, nhưng không khí rạo rực của phút giây chiến thắng đó dường như vẫn còn vẹn nguyên tại hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát.
 
Tại đây, vào lúc 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, đồng chí Tạ Quốc Luật- Chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc và lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm, tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát. Chiến thắng vĩ đại này đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp, mở ra một trang sử mới cho dân tộc.
 
Một ngày sau đó, ngày 8/5/1954, Hội nghị Genève với sự tham dự của các cường quốc chính thức bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hai sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quyết định đối với đất nước ta trong thế kỷ XX.
 
Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc Khu Di tích lịch sử Mường Phăng là điểm dừng chân sau cùng của hành trình về vùng đất Điện Biên anh hùng.
 
Nằm trong khu rừng nguyên sinh rộng 200ha, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được bà con nơi đây gọi trìu mến là “Rừng Đại tướng”. Trong những ngày kháng chiến, nơi đây đã che chở cho bao chiến sĩ và đi vào những vần thơ của Tố Hữu: “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non”.
 
Chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ dẫn vào Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây từng là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu Hoàng Văn Thái… đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử tiêu biểu.
Cung đường vào Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được bao phủ bởi những cây cổ thụ xanh mướt.
Cung đường vào Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được bao phủ bởi những cây cổ thụ xanh mướt.
 
Bà Lê Hồng Đào- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Từ khi đặt chân đến Mường Phăng và vào thắp hương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các anh hùng liệt sĩ, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, biết ơn và thành kính tri ân đến các thế hệ cha anh đã không tiếc hy sinh máu xương đánh đổi cuộc sống bình yên mà ngày nay chúng tôi được thụ hưởng. Tôi rất hy vọng sẽ có dịp được đến đây lần nữa và các thế hệ con cháu sau này sẽ luôn ghi nhớ để sống xứng đáng với những công lao đó”.
Thăm lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thăm lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiến tranh đã trải qua nhiều mùa hoa ban nở, song trong tâm trí của các thế hệ hôm nay vẫn mãi mãi ghi nhớ công ơn của những người anh hùng đã dũng cảm hy sinh để làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu- chấn động địa cầu”.
 
Trên cung đường từ Tây Bắc trở về thủ đô, đoàn đã vào thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La (TP Sơn La). Năm xưa, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam.
 
Nhưng cũng chính tại nơi đây, hơn bao giờ hết khí tiết của những người chiến sĩ cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản đã đi vào lịch sử như đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và nhiều đồng chí trung kiên khác.
Về Mường Phăng thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Về Mường Phăng thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Chuyến về nguồn lần này là hoạt động hết sức ý nghĩa giúp cho đội ngũ nữ lãnh đạo các cấp trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long biết được những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh để giành lại hòa bình độc lập cho dân tộc, để từ đó, sẽ quý trọng hơn cuộc sống.
 
Đồng thời, hiểu thêm rằng những gì mình đã làm vẫn chưa đủ và không thể so sánh được với sự đánh đổi của thế hệ đi trước cho hạnh phúc hôm nay.
 
Vì vậy, mỗi cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ phải không ngừng học tập trau dồi, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị và tỉnh nhà nói chung, đất nước nói riêng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn: “Cần phải phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.
 
 
Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009. Hiện nay, di tích bao gồm 45 điểm di tích thành phần nằm trải rộng ở khu vực lòng chảo TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo. Trong đó, một số điểm di tích được đưa vào phục vụ khách tham quan như Di tích Ðồi A1, Đồi D1, Hầm De Castries, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ...
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU