Nhà giàn DK1- hải trình đong đầy cảm xúc

Kỳ 2: Vượt qua muôn trùng sóng gió

Cập nhật, 18:30, Thứ Tư, 20/03/2024 (GMT+7)

(VLO) Biên đội tàu Trường Sa 16 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khởi hành đưa đoàn công tác đến với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên các nhà giàn DK1 và các tàu trực trong chuyến hải trình đầy ý nghĩa. Thời tiết cuối năm, biển động do ảnh hưởng từ các đợt gió mùa Đông Bắc, nên sóng to, sức gió lớn, dòng chảy mạnh. Con tàu vận tải ngàn tấn trở nên nhỏ bé giữa đại dương mênh mông. Những đợt sóng cao 2,5- 3m không chỉ ập lên mạn, boong tàu mà còn tràn cả vào phòng ngủ của thành viên đoàn công tác.

Tại buồng lái, kíp trực luôn trong tâm thế trực chiến, quan sát và tập trung cao độ.
Tại buồng lái, kíp trực luôn trong tâm thế trực chiến, quan sát và tập trung cao độ.

Lần đầu... “ra khơi”

Sau khi rời cảng, Đoàn công tác số 1 trên tàu Trường Sa 04, do đại tá Trần Hồng Hải- Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn đến thăm, động viên các nhà giàn: DK1/15 (bãi cạn Phúc Nguyên); DK1/11, DK1/12, DK1/14 (bãi cạn Tư Chính), DK1/10 (bãi cạn Cà Mau), tàu trực, trạm ra đa, khối cơ quan dân chính đảng huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Đoàn công tác số 2 trên tàu Trường Sa 16, do đại tá Trần Chí Tâm- Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn đến thăm, chúc Tết các nhà giàn: DK1/9, DK1/20, DK1/21 (bãi ngầm Ba Kè); DK1/8, DK1/19 (bãi cạn Quế Đường); DK1/17 (bãi cạn Huyền Trân); DK1/2, DK1/16, DK1/17 và DK1/18 (bãi cạn Phúc Tần).

Dù biển động, sóng to, gió lớn dịp cuối năm, nhưng 2 chuyến tàu Trường Sa 04 và Trường Sa 16 luôn trong tâm thế “vượt sóng vươn khơi”, quyết tâm mang theo hàng hóa cùng những món quà và tình cảm nơi đất liền gửi đến tận tay CBCS nhà giàn DK1 đúng hẹn và an toàn.

Đây chính là nguồn lực để quân và dân tiếp tục kề vai sát cánh vững vàng nơi “đầu sóng ngọn gió”, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tham gia đoàn công tác số 2, phóng viên Báo Vĩnh Long cùng các đồng nghiệp đã có những trải nghiệm đáng nhớ trên tàu Trường Sa 16.

Con tàu có gần 30 năm chở những người lính hải quân làm nhiệm vụ trên biển, nhưng đây là lần đầu tiên tàu đưa đoàn công tác đi thăm, động viên, chúc Tết các nhà giàn DK1. Đối với đoàn công tác, cũng có khá nhiều thành viên lần đầu được đến với thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Đi biển cuối năm không hề dễ dàng ngay cả với những người “dày dặn kinh nghiệm sóng gió”. Đối với những người lần đầu “ra khơi” thì càng vất vả…

Trong ngày đầu tiên xuất phát, ai cũng háo hức, vui vẻ. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, tàu ra càng xa đất liền thì sóng càng to, gió càng lớn, mức độ dao động sóng rất cao. Mặt biển trở nên hung hăng, khiến cho con tàu rung lắc dữ dội và làm cho nhiều người mệt lã...

Lúc này, sự hào hứng lại phải nhường chỗ cho sự say sóng. Nhiều người phải nằm suốt và ói vật vã, cứ ngồi dậy là bị choáng và đau đầu. Mặc dù bữa cơm đã được các anh nuôi chăm chút nấu rất ngon, nhưng cái say sóng khiến nhiều người khó nuốt. Có người dùng cơm chưa đầy một phút phải hối hả bụm miệng và chạy đi...

Chưa có kinh nghiệm đi biển và vì mang theo ít đồ, có người phải gắng gượng dậy đem đồ đi giặt. Lúc này, con tàu cứ chòng chành, lắc lư như đánh võng.

Bao nhiêu quần áo đang giặt trong thau cứ tự... nhảy ra ngoài. Ruột gan như cứ lộn cả lên, cũng là lúc “có gì trong người là trả hết cho biển”... Nhiều người nói vui rằng: “đi tắm, giặt và thay đồ... là cả một nghệ thuật mà người thực hiện là một nghệ sĩ”.

Lần đầu ra khơi, phóng viên Dương Thị Liễu- Báo Tuổi Trẻ đã không dự liệu được sức khoẻ của mình diễn biến xấu. Trong 15 ngày đi biển, chị đã có 13 ngày say sóng và cứ có sóng là chị lại nôn ói...

Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm, chăm sóc của CBCS tàu Trường Sa 16 đã giúp chị an tâm và ấm lòng hơn. Khi không ăn được gì, thì các anh mang vitamin, thuốc bổ... cho uống. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm bản thân và động viên chị rất nhiều.

Tuy dày dạn kinh nghiệm đi biển, nhưng nhà báo Cù Thị Thuận- Báo Đồng Nai cũng không thoát khỏi cơn say sóng. Trước sự ân cần chăm sóc của CBCS tàu Trường Sa 16, chị chia sẻ: “Riêng về sự giúp đỡ, thật tình tôi chỉ biết nói 2 từ “tuyệt vời”.

Bởi vì, đúng là bộ đội nói chung và đặc biệt là bộ đội hải quân trên các hải trình công tác thì đều phát huy rất tốt phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ- người chiến sĩ Hải quân ưu tú” trong thời kỳ mới. Tức là, các anh đã xả thân của mình vì nhân dân và gắn kết tình đoàn kết quân dân với nhau, nhất là trên các hải trình như thế này. Khi chúng tôi không ăn được, chúng tôi nằm, thì đã có quân y hỏi thăm.

Rồi chúng tôi không ăn được cơm thì có cháo. Không ăn được cháo thì có miến... và có các thứ khác để làm sao, anh em nhà báo, phóng viên có thể phục hồi sức khoẻ tốt nhất, cùng nhau đoàn kết thực hiện hải trình”.

Rẽ sóng, vượt gió xuyên đêm

Chứng kiến mỗi bữa nấu ăn như là “cuộc chiến” mới thấu hiểu nỗi vất vả của các CBCS tàu Trường Sa 16 khi chăm sóc đoàn. Trong điều kiện thời tiết đầy sóng gió, các anh nuôi phải vừa nấu cơm vừa đứng tấn, tay thì chụp đầu này, vịnh đầu kia...

Khó khăn là vậy, nhưng đều đặn mỗi ngày, tổ bếp vẫn lo đủ ngày 3 bữa cho 80 người. Công việc bắt đầu từ 4 giờ 30 phút sáng và thực đơn được thay đổi liên tục để đảm bảo sức khoẻ và không bị ngán.

Tuy nhiên, có bữa sóng lớn quá, vừa nấu xong thì thức ăn lại bị đổ hết, phải chuyển sang phương án... “ăn mì gói thay cơm”. Song, dù là mì gói hay cơm, những bữa ăn trên tàu thật sự thấm đượm nghĩa tình yêu thương.

Tàu Trường Sa 16 chuẩn bị hạ xuồng xuống biển để tiếp cận nhà giàn.
Tàu Trường Sa 16 chuẩn bị hạ xuồng xuống biển để tiếp cận nhà giàn.

Thượng uý Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Xuân Đăng- Nhân viên bếp tàu Trường Sa 16 cho biết: “Trong điều kiện sóng gió, chúng tôi ưu tiên nấu những món dễ tiêu để đảm bảo sức khỏe cho đoàn.

Số lượng đại biểu đông, nên phải có phương án tổ chức, sắp xếp hợp lý khu nấu nướng, khu ăn uống... sao cho đảm bảo an toàn. Bàn ăn phải có gờ lớn để chống trượt đổ.

Đồng thời, phải làm khay ăn chuyên dụng- đáy khay sâu hơn để giữ được thức ăn khi tàu rung lắc... Quan trọng là làm sao đảm bảo an toàn khẩu phần ăn cho mỗi người. Đối với các đại biểu bị say sóng thì chúng tôi nấu cháo, làm cơm cháy... và thức ăn phải không có mùi nặng”.

Điều cảm động nhất, đọng lại trong mỗi thành viên của đoàn chính là sự phục vụ của từng CBCS Tàu Trường Sa 16.

Ở khu vực bếp, các anh nuôi luôn chu đáo, tận tình, chống chọi cùng sóng gió để có những bữa cơm, bát cháo vừa thơm, vừa nóng cho đoàn đủ sức khỏe. CBCS làm công tác phục vụ thì luôn tận tậm dọn dẹp từng khu vực phòng ở, phòng ăn... được thoáng mát, sạch sẽ.

Bộ phận quân y, hậu cần luôn nở nụ cười thăm hỏi, động viên, nhất là đối với những người lần đầu đi chưa quen sóng, gió biển cứ “ăn gì trả biển cái đó”... đã tạo sự yên tâm, gắn bó trong chuyến hải trình.

Trên tàu, các CBCS còn phải liên tục xử lý các yếu tố về kỹ thuật và máy móc. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ riêng, nhưng gần như là tác chiến liên tục với mọi tình huống.

Với các nhà báo, phóng viên, khi đã dần quen với sóng cũng phát huy những sở trường của mình, đóng góp những bản tin phát thanh tổng kết các hoạt động hàng ngày, chia sẻ, động viên CBCS qua những bài thơ, lá thư viết tay từ đất liền gửi đến...

Để mang mùa xuân từ đất liền ra biển cả, tàu Trường Sa 16 vẫn miệt mài rẽ sóng, vượt gió xuyên đêm, di chuyển liên tục hướng về điểm xa nhất trong hải trình là cụm nhà giàn DK1/9, DK1/20, DK1/21 ở bãi ngầm Ba Kè.

Trong đợt đi thăm, động viên, chúc Tết các nhà giàn DK1 lần này, dù sóng to, gió lớn, biển động, điều kiện sinh hoạt, ăn ngủ chật hẹp... cùng những khó khăn không sao kể xiết, nhưng các đại biểu, nhà báo, phóng viên cả nước đã đến với các CBCS nhà giàn DK1 bằng tất cả tấm lòng, sự yêu mến, để động viên chia sẻ bớt những khó khăn, gian khổ, giúp CBCS vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. 

Đại uý Hà Quang Tường- Thuyền trưởng tàu Trường Sa 16 cho biết: Thời điểm tháng 11 âm lịch đến tháng Chạp và tháng Giêng, gió mùa Đông Bắc hoạt động tăng cường mạnh. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dòng chảy phức tạp hơn, nên việc vận chuyển quà đến nhà giàn gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, tàu đã điều chuyển đầy đủ các phương án để thực hiện và đảm bảo an toàn tuyệt đối, cũng như hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 

Khu vực DK1, mỗi vị trí có một đặc điểm gió, dòng chảy khác nhau. Có những vị trí cùng một điều kiện thời tiết sóng cấp 3, cấp 4, nhưng mà nơi đấy sóng rất ổn. Song, cũng có nơi độ sâu lớn, cồn cao, dòng chảy phức tạp... Đối với các nhà giàn này, chúng tôi đã đi nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm và nắm được những đặc điểm, quy luật hoạt động của gió dòng, cũng như những điều kiện thời tiết khác tác động liên quan. Chúng tôi đưa ra các phương án sao cho phù hợp với thực tiễn ở từng nơi, từng vị trí. Mỗi một vị trí có một điều kiện khác nhau, từ đó sẽ có các phương án khác nhau.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI