Dòng kinh xanh trong lòng phố...

Cập nhật, 15:00, Thứ Năm, 21/03/2024 (GMT+7)

 

Chủ động giữ gìn và bảo vệ sông rạch trong lòng phố thị.
Chủ động giữ gìn và bảo vệ sông rạch trong lòng phố thị.

Giữa cái nắng tháng 3, chị Phương nhâm nhi ly nước mát, ngắm con đường nhỏ ngoằn ngoèo theo con rạch vừa mới được khơi thông. Hoa lá xôn xao đua nở ven bờ, cảm nhận góc phố đang hồi sinh, căng tràn nhựa sống.

Một quán cà phê khá đẹp vừa mọc lên ở nội ô TP Vĩnh Long, view… con rạch nhỏ. Con rạch này vừa được cải tạo sau một thời gian dài bị ô nhiễm. Sự chuyển biến của con rạch đã kéo theo sự thay đổi của cảnh quan nơi này- tất cả đều bừng lên sức sống.

Nhà ven con rạch, chiều xuống, chị Ngọc Linh (Phường 3) ra trước nhà chăm sóc những bụi hoa và đám rau mới trồng. Chị cho biết đã ở nơi này hơn 30 năm, nhà đã nâng nền 3 lần tổng cộng cả mét nhưng mưa lũ hàng năm vẫn còn bị ngập. Từ ngày rạch được khơi thông, đường đan được nâng cấp thì không còn lo ngập. Vui nhất là đường sá thông thương đi các hướng, có cả lộ nhựa và chiếc cầu mới kết nối với nội ô. Nhìn dọc theo con đường chi chít những khóm hoa bung biêng, hàng rào mới toanh… chị Linh tươi cười: “Ở đây ai cũng mừng, chăm chút cảnh quan hơn”.

Cũng thuộc Phường 3 (TP Vĩnh Long), trước đó, rạch Bờ Húm được nạo vét, khơi thông nên phục vụ thoát nước tốt hơn. Chú Sơn “sống ở đây từ hồi đó tới giờ” cho biết: Trước kia, con rạch rộng khoảng 10m, cung cấp nước cho đồng ruộng đôi bờ và ghe xuồng có thể lưu thông.

Sau mấy mươi năm, nhiều công trình nhà cửa mọc lên và rác rến ứ đọng nên rạch bị bồi lắng, thu hẹp. Mùa mưa lũ có khi nước bẩn ngập hơn nửa bánh xe, đi lại khó khăn. Cùng với nạo vét để khơi thông, khóm cũng vận động người dân không xả rác xuống rạch, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cùng với những kênh rạch được khơi thông, TP Vĩnh Long đã và đang có nhiều dự án cải tạo lòng sông, làm đẹp cảnh quan sông nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Đó là các dự án kè sông Cổ Chiên, Kinh Cụt, Cầu Lầu. Những dự án kè sông này đang khoác chiếc áo mới xinh tươi hơn cho đô thị miền sông nước.

Còn tại TX Bình Minh, công trình cải tạo hệ thống cống thoát nước kết hợp đường giao thông Rạch Gai- đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến đường Lê Văn Vị (phường Cái Vồn, TX Bình Minh) được thi công hoàn thành đã giúp khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường sống và còn thuận tiện cho đi lại của người dân.

Ở Rạch Gai hơn 50 năm, chú Y cho hay, kinh này trước đây rộng 4-5m, thông thương 2 đầu nên ghe xuồng đi lại được. Sau này, “nước và rác ứ đọng, một số hộ xây cất nhà cửa lấn ra một chút cho rộng nên rạch bị thu hẹp, có chỗ bít lại luôn”.

Khi rạch được cải tạo, làm cống và đường thì dân ở đây ai cũng mừng. Không chỉ đi lại dễ dàng, mà còn giúp thoát nước, khắc phục ngập úng.

Thực tế cho thấy, sông rạch thực sự rất quý giá. Không chỉ cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, còn giúp tiêu thoát nước chống ngập úng, điều hòa không khí; đặc biệt ở các đô thị. Do đó, bảo vệ sông rạch là bảo vệ cảnh quan, môi trường sống trong lành của con người.

Tuy nhiên, bên cạnh những đoạn sông rạch đã được cải tạo, làm kè, khơi thông dòng chảy. Đâu đó ở các đô thị vẫn còn những đoạn sông rạch bị nhà cửa, hàng quán xây cất lấn chiếm, choáng mất ánh sáng tự nhiên, gây cản trở dòng chảy…

Một số hộ còn vô tư xả bẩn khiến sông rạch ô nhiễm, là môi trường cho ruồi nhặng sinh sôi, gây bệnh. Tình trạng này cần khắc phục ngay.

Ngày Quốc tế hành động Vì các dòng sông (14/3) năm 2024 có chủ đề “Nước cho mọi người” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận nguồn nước trong cuộc sống. Đây là dịp các quốc gia cùng chung tiếng nói bảo vệ các dòng sông- mạch sống của các hệ sinh thái; đề ra những chính sách quản lý công bằng, phát triển bền vững.

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, bảo tồn cảnh quan sông nước; tăng cường các giải pháp xử phạt hành vi xả thải bừa bãi, gây hại cho môi trường.

Hoa đang nở ven bờ kinh, con rạch nhỏ.
Hoa đang nở ven bờ kinh, con rạch nhỏ.

Về phía người dân, cần nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ cảnh quan sông rạch bằng những hành động cụ thể như: không xả bẩn, không xây cất lấn chiếm, chủ động giữ gìn và khơi thông dòng chảy… nhằm bảo vệ môi trường sống của chính mình và thế hệ mai sau.

Hoa đang nở ven dòng sông, bờ kinh, con rạch nhỏ. Mai này, nước sẽ sạch trong trở lại. Người người lại có thể vui đùa, tắm mát trên sông.

“Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ/

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu…

(“Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh).

Bài, ảnh: SÔNG HẬU