Kỳ 3: Chạm "mốc chủ quyền" thềm lục địa

Cập nhật, 18:36, Thứ Năm, 21/03/2024 (GMT+7)

(VLO) Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có 15 nhà giàn DK1. Đây là nơi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Tiểu đoàn DK1- Vùng 2 Hải quân đóng quân, trực gác suốt ngày đêm, vững vàng nơi muôn trùng sóng gió, đảm bảo bình yên cho đất liền đón những mùa xuân ấm…

Những thông tin về tầm quan trọng của nhà giàn, nhất là những gian khó, vất vả của CBCS luôn vững tay súng, chắc chân sóng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, đã thúc giục chúng tôi ra biển và từ đó vun đắp tình yêu Tổ quốc thêm sâu sắc.

Đến nơi “chân trời Tổ quốc”

Tổ xuồng rời tàu Trường Sa 16 mang những phần quà đầy ý nghĩa đến nhà giàn.
Tổ xuồng rời tàu Trường Sa 16 mang những phần quà đầy ý nghĩa đến nhà giàn.

Sau gần 3 ngày 2 đêm vần vũ rẽ sóng, vượt gió, tàu Trường Sa 16 đã tiếp cận nhà giàn DK1/9 giữa trùng khơi mênh mông với bốn về là chân trời xa thẳm. Đây là khu vực vùng biển thuộc cụm Ba Kè- nơi xa nhất trong chuyến hải trình. Khu vực bãi ngầm này có các nhà giàn DK1/9, DK1/20, DK1/21.

Dù đối mặt với muôn trùng sóng gió, ai nấy cũng mệt lả người, nhưng như có phép màu, khi loa phóng thanh thông báo đang tiếp cận nhà giàn đầu tiên.

Từ các buồng tàu, ai cũng bật dậy, ùa ra boong tàu để… tận mắt chiêm ngưỡng. Cả đoàn, ai nấy đều háo hức, bởi đã đến thật gần nơi chốt giữ chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Ai cũng mong muốn được đặt chân đến một trong số những nhà giàn đang sừng sững giữa biển khơi, như để được đặt chân tới nơi “chân trời Tổ quốc”, được khám phá vẻ đẹp của các nhà giàn và thấu hiểu hơn cuộc sống của CBCS đang làm nhiệm vụ nơi đây.

Hơn 12 năm công tác trong nghề, Thượng úy Nguyễn Văn Nghĩa- Bí thư Chi bộ, Chính trị viên tàu Trường Sa 16 cho biết: Quá trình hạ xuồng được xem là nguy hiểm nhất khi tiếp cận nhà giàn. Bởi, thời tiết trên biển thường có gió mạnh, mặt biển tạo sóng nên việc tìm cách hạ xuồng rất khó khăn. Dù vậy, bằng kinh nghiệm và tinh thần đồng đội, các CBCS luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, mặc cho sóng gió khiến mặt biển có lúc dâng cao đến gần 3m.

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Nghĩa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt vẫn luôn là nỗi lo lắng với CBCS đưa đoàn công tác đến với nhà giàn. Thỉnh thoảng, vẫn xảy ra một vài sai số nhỏ. Cứ sau chuyến đi, anh em ngồi lại để rút kinh nghiệm, với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn nhất cho các đoàn công tác theo chuyến hải trình ra khơi động viên CBCS nhà giàn.

Khi chỉ cách nhà giàn vài trăm mét, tổ xuồng của tàu Trường Sa 16 nhận nhiệm vụ trung chuyển quà qua nhà giàn với tinh thần khẩn trương và cẩn trọng để đảm bảo quà không bị ướt, không ảnh hưởng đến chất lượng.

Đại uý Hà Quang Tường- Thuyền trưởng tàu Trường Sa 16 cho hay: “Hiện, sóng cấp 5, bước sóng có độ cao 2,5- 3m. Phương pháp hạ xuồng, đưa cấp hàng qua nhà giàn vẫn trong điều kiện cho phép để thực hiện. Quan trọng nhất là liên hệ với nhà giàn, làm sao phối hợp nhịp nhàng giữa cẩu và xuồng để đảm bảo an toàn”.

Ngay khi tàu làm công tác chuẩn bị xong, thuyền trưởng Hà Quang Tường đã chủ động triển khai cho các bộ phận thực hiện theo kế hoạch. Tổ xuồng phải mất thời gian rất lâu, canh từng cơn sóng, cẩn thận, tỉ mỉ để đưa lô hàng đầu tiên xuống khoang xuồng. Sóng càng lúc càng lớn, biển dập dềnh trắng xoá bọt nước, phải mất gần một giờ đồng hồ, việc trung chuyển mới hoàn tất.

Để tiếp cận nhà giàn, xuồng phải chạy rất nhiều vòng để canh cơn sóng.

Chứng kiến từng cơn sóng biển hung hăng, trong khi chiếc xuồng quá nhỏ bé, mọi người có cảm giác như... “sóng biển có thể nuốt chửng cả con xuồng”.

“Khi đứng quan sát ở trên thuyền, có khi tôi thấy xuồng mất hút luôn và mọi người rất lo lắng, sợ nguy hiểm về người cũng như hàng hóa bị ướt...

Mãi đến khi nhìn thấy chiếc xuồng xuất hiện, tôi đã rất xúc động, rất mừng”- phóng viên Nguyễn Nhật Quỳnh- Báo Lâm Đồng chia sẻ.

Lúc này, mọi ánh mắt đều dõi theo cho đến khi chiếc xuồng tiếp cận được nhà giàn.

Từ nhà giàn, các anh thả dây cẩu xuống tiếp ứng. Canh từng cơn sóng, tổ xuồng nhanh chóng buộc túi quà vào dây. Từ đây, người trên nhà giàn dùng cần cẩu nhấc từng lô hàng lên một cách an toàn. Lúc này, cả đoàn mới thở phào nhẹ nhõm...

Lần trung chuyển tiếp theo cũng không dễ dàng, mọi thứ lặp lại như cũ. Có thời điểm, sóng tạt lút mui xuồng, giữa mênh mông sóng nước, bóng người nhỏ dần, chỉ còn thấy rõ túi quà to dập dềnh theo sóng nước khơi xa.

Tự hào được “chạm” cột mốc sống

Sóng vỗ chòng chành giữa trùng khơi, kết thúc đợt trung chuyển quà lên nhà giàn đầu tiên, chỉ huy đoàn ra lệnh neo tàu ở khu vực bãi ngầm Ba Kè.

Sáng hôm sau, sức gió và sóng biển càng lúc càng mạnh. Trưởng đoàn công tác hạ lệnh cho phương án “di chuyển bằng xuồng nhỏ và cẩu người lên nhà giàn”. Lúc này, chỉ có 15 thành viên của đoàn công tác được xuống xuồng qua thăm nhà giàn.

Đại uý Hà Quang Tường- Thuyền trưởng tàu Trường Sa 16: Mỗi một gói hàng được vận chuyển lên lên nhà giàn, mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong một nhiệm vụ và cực kỳ xúc động trước sự đón nhận của bộ đội trên nhà giàn. Bao sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần đã được tàu Trường Sa 16 đưa lên và gửi gắm bằng tình yêu với nhà giàn, tình yêu với biển đảo, để các đồng chí vững niềm tin, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc.

Lần đầu tiên, xuống xuồng bằng thang dây, nhiều người không tránh khỏi cảm giác... lo sợ. Vì sóng biển cứ dập dềnh, đập lên đập xuống và chiếc xuồng cứ chao đảo, lắc lư theo từng cơn sóng.

Việc di chuyển từ tàu lớn sang xuồng nhỏ cũng không hề đơn giản, nhất là đối với những người chưa từng di chuyển bằng hình thức này và có nỗi ám ảnh với... độ cao.

Theo đó, nếu bước chân không dứt khoát, không làm theo hiệu lệnh của tổ xuồng sẽ rất nguy hiểm, vì không canh được độ nhấp nhô của sóng và xuồng, thì dễ mắc kẹt chân vào trong dây, có thể bị kẹp lại giữa tàu lớn và xuống nhỏ, sơ xẩy có thể dẫn đến chấn thương hoặc gãy chân...

Song, vượt qua nỗi sợ của bản thân, các nhà báo, phóng viên đều rất tập trung làm theo hiệu lệnh.

Cùng với đó, tất cả mọi người đều cố gắng hỗ trợ, động viên, cổ vũ nhau để an tâm lên nhà giàn và có được trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến hải trình- đó là lên xuống xuồng bằng thang dây và ngồi lên tấm gỗ nhỏ để đu dây lên xuống nhà giàn.

Nhà báo Cù Thị Thuận- Báo Đồng Nai chia sẻ: “So với chuyến hải trình trước đó, Xuân Giáp Thìn 2024 tôi lại được trải nghiệm lên nhà giàn DK1 bằng phương pháp mới.

Đó là, ngồi lên cẩu và đu đưa giữa sóng biển. Một cảm giác thực sự “phiêu”, nhưng lúc đó trong tôi chỉ duy nhất niềm tự hào, hãnh diện vì được đến, được chạm và bước vào nhà giàn DK1- cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa bốn bề sóng nước”.

Phóng viên Báo Vĩnh Long vui mừng được đặt chân tới nơi “chân trời Tổ quốc”.
Phóng viên Báo Vĩnh Long vui mừng được đặt chân tới nơi “chân trời Tổ quốc”.

Nhà báo Phan Trường Sơn- Biên tập viên Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long cho hay: “Lần đầu tiên, tôi có trải nghiệm thú vị và đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của mình. Khi bước xuống xuồng, tôi có cảm giác khác hoàn toàn với trên tàu, tỷ lệ giữa xuồng và tàu có thể nói là 1:100.

Lúc này, xung quanh tôi dường như chỉ toàn là sóng... Khi đu dây lên nhà giàn, tôi chợt nhớ hồi nhỏ mình đã từng kéo tàu dừa để đu qua đu lại, nhưng cảm giác đó khác hẳn với lúc này, vì khi mình được nâng lên cũng là lúc xuồng rời đi, chỉ còn một mình ta giữa biển khơi mênh mông và vô định...

Tôi cảm thấy rất hồi hộp. Lên tới nhà giàn, tôi cảm nhận CBCS nơi đây rất dũng cảm và có bản lĩnh. Một năm chỉ có vài chuyến đi ra thăm nhà giàn DK1 để chu cấp hàng hóa.

Còn các anh phải sống và làm việc ở đó suốt ngày này qua tháng nọ đến năm khác... Cho thấy các anh rất can đảm, kiên định và rất yêu Tổ quốc mới có thể làm nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng như vậy”.

Nhà báo Phan Trường Sơn cũng chia sẻ, thật ra mình luôn yêu Tổ quốc mình. Song, khi chưa đi chuyến hải trình này, thì mình chỉ có thể nói đơn giản là “tôi yêu Tổ quốc tôi”, nhưng “yêu như thế nào? yêu cụ thể bằng hành động ra làm sao thì chưa lý giải được”.

Tuy nhiên, khi ra tới đây và cảm nhận được cuộc sống của CBCS Nhà giàn DK1, chúng ta sẽ thể hiện tình yêu ấy bằng những hành động cụ thể. Bởi lẽ, ở trong đất liền thì mọi thứ đều thuận lợi, còn ở nhà giàn thì mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn.

Cho nên, nhà báo chúng tôi luôn tự nhủ phải có những bài viết tốt hơn để tuyên truyền về hình ảnh của những người lính hải quân đang sinh sống và làm việc trên các nhà giàn DK1, để người dân ở đất liền hiểu rõ rằng ở những nơi gian khổ như thế này cũng có người dân Việt Nam mình đang sinh sống, ngày đêm làm nhiệm vụ thiêng liêng- bảo vệ Tổ quốc nơi “đầu sóng ngọn gió”.  

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI