Những chiến sĩ blouse trắng giữa trùng khơi

Cập nhật, 05:43, Chủ Nhật, 03/03/2024 (GMT+7)

 

Các quân y luôn là “điểm tựa” chăm sóc sức khỏe cho hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân...
Các quân y luôn là “điểm tựa” chăm sóc sức khỏe cho hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân...
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”, thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm cao, các chiến sĩ quân y trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân...
 
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các quân y còn thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân và tăng gia sản xuất như một người nông dân. 
 
Yêu nghề, thương người bệnh như người thân và được đào tạo vững vàng về chuyên môn, có bản lĩnh và tính kỷ luật cao trong quân đội, đã giúp những chiến sĩ quân y vượt qua những khó khăn về phương tiện, điều kiện thăm khám, điều trị... và “cân não” đưa ra quyết định khi đối mặt giữa sự sống và cái chết.
 
Những “thiên thần” blouse trắng trên biển này, không chỉ là “điểm tựa” chăm sóc sức khỏe, giúp những người lính hải quân vững tay súng, chắc chân sóng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, mà còn giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
 
Ấm lòng sự chăm sóc
 
Lần đầu tiên, theo đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đến thăm, chúc Tết CBCS ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, phóng viên Dương Thị Liễu (Báo Tuổi Trẻ) đã không dự liệu được sức khỏe của mình.
 
Ngay lúc đoàn công tác lên tàu, quân y đã phát thuốc chống say sóng đến từng người. Chỉ sau vài giờ khởi hành, sự hào hứng của mọi người phải nhường chỗ cho sự... say sóng. Tuy nhiên, nhờ được quân y tàu Trường Sa 16 quan tâm chăm sóc, đã giúp đoàn công tác an tâm và ấm lòng hơn.
 
Y sĩ Lê Văn Cương, nhân viên quân y theo đoàn công tác Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân đi thăm chúc Tết các Nhà giàn DK1 (Cụm Dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật) trong chuyến hải trình vừa qua, chia sẻ:
 
“Trong 25 năm làm nghề y, tôi có hơn 10 năm làm nhiệm vụ y tế trên nhà giàn và đã từng công tác y tế trên tàu chiến. Ngoài đảm bảo sức khỏe cho CBCS, đoàn công tác, tôi còn cấp cứu, chữa bệnh cho rất nhiều ngư dân. Nhất là khi làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1/10 ở gần tỉnh Kiên Giang. Lúc đó, tôi chữa bệnh cho ngư dân nhiều lắm. Đồng thời, thường xuyên cấp cứu, khâu vết thương cho mọi người khi chẳng may bị thương”.
 
Anh Bùi Văn Thiện- ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trong mỗi chuyến đánh bắt trên biển, chúng tôi đều có chuẩn bị một số thuốc, nhưng có những sự cố sức khỏe chúng tôi không xử lý được.
 
Lúc này, tôi được y, bác sĩ ở nhà giàn, trên đảo hay tàu hải quân hỗ trợ chu toàn. Nhớ năm ngoái, có người bị thương do cá đâm trúng cũng được đưa vào nhà giàn nhờ chăm sóc y tế. Khi chúng tôi cần, các chiến sĩ quân y đã cứu chữa rất tận tình”.
Người bệnh là người thân
 
“Cứu chữa bệnh giúp được ngư dân chúng tôi rất vui, hạnh phúc. Khi đó, tôi cảm nhận được tình quân dân càng thêm khắng khít giữa trùng khơi này”- y sĩ Trần Hùng Sơn- Quân y Nhà giàn DK1/21, chia sẻ và cho biết:
 
“Trong quá trình đánh bắt trên biển, ngư dân có chuẩn bị thuốc, nhưng có những trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp vẫn cần được hỗ trợ cấp cứu của nhân viên y tế. Mới đây, có trường hợp ngư dân đến nhờ hỗ trợ cấp cứu do bệnh nhân bị giảm áp, có triệu chứng liệt yếu hai chân, chúng tôi đã xử lý ban đầu và xin ý kiến hỗ trợ chuyển bệnh vào bờ để điều trị”.
 
22 năm gắn bó với ngành y, từng công tác ở Vùng 2, Vùng 3 và Vùng 4 Hải quân, y sĩ Trần Hùng Sơn đã có thâm niên làm việc từ các đơn vị ở đất liền đến các đảo và nhà giàn. Trong đó, khó khăn nhất là khi công tác ở nhà giàn vì xa đất liền hàng trăm hải lý.
 
Tuy nhà giàn được quan tâm đầu tư máy móc nhưng không thể đầy đủ bằng đất liền hay các đảo lớn. Cùng với đó, do đặc điểm bốn bề là biển và gió muối, ít nhiều gây ảnh hưởng đến trang thiết bị, dụng cụ... khám và điều trị bệnh. 
 
“Không những vậy, ở nhà giàn chỉ có một mình tôi phụ trách ngành y, nên áp lực khá nặng. Có những trường hợp, phải đối diện với sự sống còn của người bệnh và của cả đồng chí, đồng đội mình.
 
Có những lúc, tôi phải “cân não” đưa ra phương pháp chẩn đoán, điều trị theo nghiệp vụ riêng của mình, cũng như theo điều kiện về phương tiện, thiết bị tại chỗ... Trong khi đó, nếu ở đất liền thì mình có người để hội ý, có đủ phương tiện để xét nghiệm, điều trị và có cơ số thuốc đảm bảo hơn”- y sĩ Trần Hùng Sơn trải lòng.
 
Trong thời gian dài gắn bó với ngành y, đối diện với vô vàn trường hợp bệnh, y sĩ Trần Hùng Sơn cho biết: Đáng ngại nhất là các bệnh liên quan đến tim mạch hay chấn thương nặng. Trong đó, có trường hợp bị cá đâm xuyên cả bắp tay hay bị cá cắn vào tay làm sưng to bằng bắp chân; hay khi bệnh nhân bị đuối nước dẫn đến bị sưng phổi cấp, khạc ra máu... Lúc đó, phải cấp cứu và sử dụng các thuốc đặc trị. Rồi cũng có hiện tượng sốc xảy ra, có trường hợp phải tiên lượng 50/50...
 
“Đối mặt với các trường hợp này, đòi hỏi mình phải xác định rõ sự tổn thương và xác định rõ thuốc đưa vào. Đồng thời, do không có phương tiện chẩn bệnh như chụp, chiếu... để xét nghiệm, nên kiến thức chẩn đoán của quân y là rất quan trọng”- y sĩ Trần Hùng Sơn cho hay. 
 
Yêu nghề nên khi thấy CBCS đau, thì “coi như mình đau”, các chiến sĩ quân y cố gắng hết sức đề điều trị bệnh nhân tốt nhất trong điều kiện khó khăn và cảm thấy hạnh phúc khi mình đã cứu chữa được người bệnh.
 
Còn đối với các CBCS đang làm nhiệm vụ giữa trùng khơi, nhà giàn được xem là ngôi nhà thứ hai và những đồng chí, đồng đội cùng sinh sống, làm nhiệm vụ ở đây là người thân của nhau. Nơi đây không chỉ có tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc với bệnh nhân mà còn là tình cảm của người thân gia đình.
 
Những chiến sĩ blouse trắng giữa trùng khơi đã nêu cao tinh thần trách nhiệm nghề y, bảo vệ tốt sức khỏe CBCS đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và cả ngư dân. Các chiến sĩ quân y đã để lại nhiều hình ảnh đẹp và thắt chặt tình cảm quân dân trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc ngày thêm bền chặt.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điều kiện chăm sóc y tế cho CBCS làm nhiệm vụ ở nhà giàn cũng như trên biển ngày càng được cải thiện. Các phòng y tế được trang bị khá đầy đủ cơ số thuốc và phương tiện cấp cứu ban đầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp các chiến sĩ quân y thực hiện tốt nhiệm vụ. “Hiện, nhà giàn được trang bị đầy đủ thuốc để điều trị bệnh thông thường và điều trị cấp cứu ban đầu, có bình oxy và cả đèn phẫu thuật giúp cấp cứu, việc khâu vết thương thuận lợi hơn...”- Y sĩ Nguyễn Hải Hà- Quân y Nhà giàn DK1/16, cho biết.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI