Đồng chí Phạm Hùng với Kế hoạch phản gián CM-12

Cập nhật, 05:50, Chủ Nhật, 03/03/2024 (GMT+7)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Hùng- Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V tháng 1/1950. Ảnh TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Hùng- Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V tháng 1/1950. Ảnh TL

Đồng chí Phạm Hùng người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, dù ở bất kỳ cương vị nào đồng chí Phạm Hùng cũng nêu cao tinh thần cộng sản chân chính, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, tất cả vì Đảng, vì đất nước và Nhân dân.

Được phân công lãnh đạo ngành công an, năm 1946 ông là Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ và Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc (tiền thân của Công an Nam Bộ sau này), từ 1980-1987 là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đồng chí Phạm Hùng có nhiều đóng góp vào công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, ông là người khởi xướng phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”.

Ngay từ năm 1950, đồng chí Phạm Hùng đã cùng lãnh đạo Sở Công an Nam Bộ phát động phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; thu thập tài liệu, in thành cuốn sổ tay làm tài liệu học tập cho cán bộ, chiến sĩ Công an Nam Bộ. Trên lĩnh vực an ninh trật tự ông là linh hồn của các chỉ thị, nghị quyết về công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. '

Đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện sự chỉ đạo tài tình và đầy mưu lược trong đấu tranh chống âm mưu, hoạt động phá hoại của bọn tình báo, gián điệp, phản động và các loại tội phạm, như đảm bảo an ninh, trật tự sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; lãnh đạo BCĐ 79 chống trộm cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng; giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX...

Chính ông là “nhạc trưởng” Kế hoạch phản gián CM-12. Kế hoạch CM-12 cũng do chính đồng chí Phạm Hùng đặt tên: CM là Cà Mau- địa phương diễn ra kế hoạch phản gián, còn 12 là ngày xuất phát đầu tiên của toán gián điệp, biệt kích từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam bằng đường biển 12/5/1981.

Dùng địch đánh địch

Cuối năm 1980, qua công tác trinh sát kỹ thuật ta phát hiện một mạng điện đài lạ hoạt động ở hướng Tây, trong đó có một đài di động sang nước K.

Ngày 11/1/1981, đoàn chuyên gia Việt Nam giúp bạn tại Campuchia nhận được tin: Công an tỉnh Tà Keo tiếp nhận một lính Khmer đỏ ra đầu thú, tên này khai báo rằng y có tham gia dẫn một toán 23 gián điệp, biệt kích từ nước ngoài đi qua Campuchia để xâm nhập vào Việt Nam.

Sau khi nhận được báo cáo của cơ quan an ninh, đồng chí Phạm Hùng lúc này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo công an các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… triển khai phương án nắm tình hình và truy quét địch xâm nhập, với tư tưởng chỉ đạo là tiêu diệt từ xa.

Vài ngày sau qua trao đổi thông tin biết được một đơn vị bộ đội làm kinh tế ở Kiên Giang bắt được một tên biệt kích xâm nhập, trong khi dẫn bộ đội đi lấy vũ khí cất giấu y đã bỏ chạy và bị bộ đội bắn chết.

Qua nguồn tin quần chúng phát hiện, Công an tỉnh Kiên Giang đã thu được 12 khẩu AK báng gập, 7 quả lựu đạn, 2 tay quay máy phát điện dùng cho điện đài và một số quân trang quân dụng có phù hiệu “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.

Tổ chức phản động này do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy vốn 2 sĩ quan không quân ngụy lưu vong ở Pháp cầm đầu. Không cam chịu thất bại sau năm 1975, với sự tiếp sức của các thế lực thù địch, bọn tình báo, gián điệp nước ngoài, bọn chúng thành lập “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”, nhằm tập hợp lực lượng, tuyển chọn, huấn luyện, chu cấp tiền bạc, vũ khí, tổ chức cho gián điệp, biệt kích xâm nhập vào Việt Nam và cài cắm lực lượng vào nội bộ ta, hình thành những lực lượng phản động mới, hòng thực hiện kế sách “trong nổi dậy, ngoài đánh vào” để lật đổ chính quyền cách mạng.

Chuẩn bị cho kế hoạch này, chúng xây 2 mật cứ khá quy mô, đủ sức huấn luyện thao diễn, thực tập và hành quân.

Tại căn cứ ở nước ngoài, chúng mở các khóa huấn luyện đào tạo, lực lượng gián điệp, biệt kích được trang bị vũ khí, chất nổ, điện đài, quân trang, quân dụng, tiền Việt Nam giả, ngoài ra còn được sử dụng một hải cảng, một hòn đảo làm nơi tập kết và xuất phát các chuyến xâm nhập bí mật bằng đường biển về Việt Nam.

Chúng được lệnh sau khi xâm nhập thành công sẽ thực hiện nhiệm vụ phá hoại các mục tiêu trọng điểm, sử dụng tiền giả để phá hoại kinh tế, ám sát cán bộ ở các cơ quan của Đảng, chính quyền, chuyên gia Liên Xô và người nước ngoài, đánh chất nổ vào các mục tiêu quan trọng như cầu, phà, nhà máy điện, nước, kho xăng dầu, cổng các trại giam, trại cải tạo… nhằm tạo tiếng vang và gây hoang mang trong xã hội.

Sau khi nhóm xâm nhập đầu tiên bị phát hiện, bắt giữ, đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo cần tập trung khai thác bọn đã bị bắt, giăng bẫy để bắt thêm, có phương án đánh trả lại, với “trò chơi nghiệp vụ”- dùng địch đánh địch- bằng cách sử dụng điện đài địch và điện đài viên đã được ta cảm hóa, giáo dục để liên lạc với căn cứ của chúng.

Mục đích là tiếp tục câu nhử địch về cho ta đón bắt. Về vấn đề bảo mật đồng chí Phạm Hùng lưu ý: Tất cả tin tức phải báo cáo về bộ (tại TP Hồ Chí Minh) không được dùng điện thoại, khi khai thác có những vấn đề cần trao đổi, nếu khẩn trương lắm thì được phép trao đổi thẳng, tất cả tài liệu tập trung vào một đầu mối, không báo cáo nhiều nơi, không được báo cáo lung tung.

Đồng chí Phạm Hùng còn căn dặn tỉ mỉ cách bắt địch xâm nhập bằng cách chuẩn bị xuồng chở vũ khí và người vào bờ, số người chở trên xuồng cần phân tán, đi cách nhau 10-20 phút, rồi đưa đến địa điểm khác nhau do ta chuẩn bị sẵn, như vậy từng tốp địch sẽ bị ta bắt rất êm. Vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng, điện đài phải thu gom, gìn giữ đầy đủ và cẩn thận.

Ngày 12/5/1981, toán thứ 2 xâm nhập bằng đường biển gồm 14 tên đã bị ta bố trí bắt gọn, riêng tên toán trưởng do ngoan cố chống cự đã bị tiêu diệt. Đối với những người ra đầu thú, ta đã cảm hóa giáo dục các đối tượng này lập công chuộc tội, trong đó có tên sử dụng điện đài.

Thời gian đầu mấy lần lên sóng vẫn chưa nhận được phản hồi do bên nước ngoài còn cảnh giác, kiểm tra, chỉ đến khi thật sự nhận ra nhau qua mật mã, mật hiệu và phong cách gõ ma níp của điện đài viên. Phiên lên sóng thành công, địch không chút nghi ngờ. Sau đó cứ tới giờ hẹn là điện đài lên sóng tại một nơi ven biển Cà Mau với những nội dung do chỉ huy kế hoạch phản gián CM-12 chỉ đạo!

Để phục vụ công tác khai thác, đánh địch, một số cán bộ an ninh nhiều kinh nghiệm của công an các tỉnh phía Nam, trong đó có Công an tỉnh Cửu Long được trưng dụng tham gia xét hỏi các đối tượng bị bắt trong Kế hoạch phản gián CM-12.

Để tạo lòng tin nhằm lừa bắt gọn các toán xâm nhập, ta đã cử nhiều cán bộ an ninh giàu kinh nghiệm, bản lĩnh tham gia tổ chức địch, trong đó đồng chí Đại úy Trần Phương Thế (bí danh Tám Thậm, Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị của Công an tỉnh Minh Hải, sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau).

Đồng chí Trần Phương Thế (tự Tám Thậm, bìa trái) cùng Mai Văn Hạnh (bìa phải) và đồng bọn tại căn cứ giả ở Cà Mau.
Đồng chí Trần Phương Thế (tự Tám Thậm, bìa trái) cùng Mai Văn Hạnh (bìa phải) và đồng bọn tại căn cứ giả ở Cà Mau.

Để vào vai, Tám Thậm đã tạo vỏ bọc kín kẽ, cho người xung quanh biết ông không còn là người làm việc trong ngành công an, đi ngoài nắng cho người đen sạm, để tóc dài, râu quai nón, ăn mặc bụi đời… làm người thân, bà con rất bất bình.

Với lợi thế là người địa phương cùng kinh nghiệm và bản lĩnh của sĩ quan an ninh, Tám Thậm qua được các cuộc “kiểm tra” của chúng, nhanh chóng được bọn Hạnh, Túy tin dùng. Và ông đã nhiều lần đón Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy và Trần Văn Bá về ăn uống, tham quan ở căn cứ giả do ta xây dựng ở Cà Mau.

Đảm bảo bí mật và thu phục lòng người- yếu tố thành công

Với sự hợp đồng tác chiến tốt của các lực lượng và bí mật được giữ kín tuyệt đối suốt 4 năm liền, nên bọn Túy- Hạnh không thể ngờ chúng có thể bị chính “đồng đội” đưa vào lưới. Ngày 9/9/1984, 2 con tàu cuối cùng của bọn phản động đổ bộ vào Việt Nam đã bị bắt giữ cùng Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá.

Lê Quốc Túy do bị bệnh nặng đã không đi chuyến này. Kế hoạch phản gián CM-12 kết thúc. Từ ngày 14-18/12/1984, TAND tối cao đã mở phiên tòa xử bọn gián điệp biệt kích trong Kế hoạch phản gián CM-12 với 5 án tử hình, nhiều án tù chung thân, 20 năm, 10 năm… công khai trước dư luận trong nước và thế giới về âm mưu hành động của bè lũ Túy- Hạnh và đồng bọn thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn phản động, các thế lực thù địch chống phá Việt Nam và triển lãm nhiều vũ khí, chất nổ, điện đài, tiền giả… cho đông đảo Nhân dân, phóng viên báo chí trong và ngoài nước xem.

Kế hoạch phản gián CM-12 giành thắng lợi trọn vẹn là một chiến công lừng lẫy của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Thắng lợi ấy bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Bộ Công an, đặc biệt là đồng chí Phạm Hùng- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ.

Thắng lợi còn là bản lĩnh trí tuệ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam có kế thừa truyền thống đấu tranh giữ nước và truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta. Thắng lợi có sự tham gia tích cực và đóng góp quan trọng của cán bộ chiến sĩ công an các đơn vị thuộc bộ và công an các địa phương phía Nam, sự hợp đồng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam và sự hỗ trợ tích cực, quan trọng của nhiều đồng bào các địa phương nơi diễn ra Kế hoạch phản gián CM-12.

Đồng chí Phạm Hùng đã đi xa, song quan điểm tư tưởng của đồng chí Phạm Hùng vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn của người lãnh đạo cao nhất của ngành công an: “Chủ động phòng ngừa và tích cực tiến công tội phạm; chủ động tiến công địch, đồng thời tích cực bảo vệ ta”. Vẫn mãi là quan điểm cốt lõi trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.

CM-12 là kế hoạch phản gián của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Kế hoạch bắt đầu từ ngày 9/9/1981-9/9/1984 chống lại tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. BCĐ Kế hoạch CM-12 đã chọn Hòn Đá Bạc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau làm “bến đón” các chuyến tàu của bọn biệt kích xâm nhập Việt Nam.

Trong hơn 3 năm từ 1981-1984, địch đã xâm nhập Hòn Đá Bạc 18 chuyến, ta bắt và tiêu diệt 146 tên gián điệp, biệt kích trong đó có 2 tên cầm đầu là Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh, thu 143 tấn vũ khí, trong đó có 3.679 khẩu súng, 90 tấn đạn, 1.200kg chất nổ, 10 tấn tiền Việt Nam giả loại 10 đồng và 50 đồng, tổng cộng 301.750.000 đồng, 2 tàu vận tải, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động khác.

Qua Kế hoạch phản gián CM-12, Công an Việt Nam còn bóc gỡ 10 tổ chức phản cách mạng và các đầu mối nội gián cài cắm ở miền Nam. Làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hòng gây bạo loạn, lật đổ.


* Bài viết có tham khảo sách “Kế hoạch phản gián CM-12” của Nguyễn Phước Tân, NXB Công an nhân dân.

TRẦN THẮNG