"Sống khỏe" với nghề trồng hoa, làm chậu kiểng

Cập nhật, 16:14, Thứ Năm, 09/01/2020 (GMT+7)

Trong khi nhiều người dân xã Tân An Luông (Vũng Liêm) phát triển làng nghề truyền thống đóng tam bản Rạch Dày, thì ông Ngô Văn Thanh (tên thường gọi là Năm Thanh) lại qua Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách- Bến Tre) học nghề trồng hoa kiểng, cây giống và làm chậu kiểng rồi về quê khởi nghiệp với cái nghề được xem là “mới toanh” ở địa phương từ đầu những năm 2000.

Qua gần 20 năm gắn bó, đã giúp ông Năm Thanh “sống khỏe” với nghề trồng hoa, làm chậu kiểng và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn với thu nhập khá.

Phát triển nghề trồng hoa kết hợp với làm chậu kiểng giúp ông Năm Thanh có nguồn thu khá.
Phát triển nghề trồng hoa kết hợp với làm chậu kiểng giúp ông Năm Thanh có nguồn thu khá.

Từ nghề đóng xuồng sang trồng hoa kiểng

Tiếp chúng tôi bên giàn chanh dây tạo không gian xanh mát được trồng cặp hàng rào ngay cạnh mé sông, giúp xua bớt cái nóng bức giữa ban trưa, ông Năm Thanh hớp ngụm trà và kể về thời tuổi trẻ. Đó là những ngày tháng sau khi tan học thì phụ cha mẹ cưa, bào ván… Cũng từ đây ông học được nghề đóng xuồng ghe.

Những năm 1990, sau khi đi bộ đội về, thấy kinh tế địa phương còn “bẩn chật”. “Lúc đó, ở xứ mình cứ 2- 3 nhà là có 1 trại đóng xuồng, ghe. Đây là nghề giúp cho nhiều người ăn nên làm ra, nhưng cũng vì có nhiều người mở ra làm chủ nên lượng khách bị chia dần ra”- ông Năm Thanh kể.

Theo lời rủ rê của một đồng đội, ông Năm Thanh đã quyết định sang Cái Mơn và mở trại đóng xuồng ghe. Đây là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng cây giống, hoa kiểng và làm chậu kiểng vì vậy ông Năm Thanh đã tranh thủ học thêm nghề này trong 7 năm gắn bó với Cái Mơn. Cũng trong thời gian này, ông Năm Thanh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và là một trong những đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế.

Sau nhiều năm xa quê, ông Năm Thanh quyết định trở về quê nhà và khởi nghiệp với nghề ghép cây giống rồi chuyển hẳn sang nghề trồng hoa, cây kiểng và bước đầu khá thành công. Mỗi đợt vào vụ, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với thu nhập 150.000 đ/ngày.

Song, vào năm 2015- 2016, khi địa phương bị xâm nhập mặn, ông Năm Thanh không hay, lấy nước trực tiếp từ sông để tưới nên cả vườn kiểng của ông bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Chính vì vậy, đến nay ông Năm Thanh tạm ngưng ghép các loại mai kiểng, mà chủ yếu là trồng các loại hoa, kiểng lá và tự nhân giống quanh năm.

Hiện, ông Năm Thanh đang tìm mua vườn có mương vũng để chứa nước dự trữ, đề phòng khi xâm nhập mặn có thể đảm bảo nước tưới tiêu cho dàn mai kiểng. “Khi có điều kiện đảm bảo, tui sẽ đầu tư lại vườn mai kiểng của mình”- ông Năm Thanh dự tính và cho biết: “Tui cũng cần mở rộng thêm 2 công đất có mặt bằng trống để trồng vạn thọ vì cây cần đón ánh nắng để phát triển”.

Từ nghề tay trái đến thu nhập chính

Bên cạnh nghề trồng hoa kiểng, ông Năm Thanh còn có thêm nghề làm chậu kiểng. Trước đây, ông làm các loại chậu chủ yếu là để vô cây kiểng. Mấy hộ trong xóm thấy vậy nên lần lượt đặt 5- 7 cái chậu về chơi kiểng. Dần dà, nghề tay trái của ông đã “nở nồi” thành nghề chính nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của khách hàng.

Bình quân, mỗi tháng ông Năm Thanh bán ra thị trường khoảng 600 cái chậu lớn nhỏ các loại, ngày tết dự kiến tăng gấp 3 lần, nhất là nhu cầu chơi kiểng tăng cao. Hiện, chậu nhỏ nhất có giá 40.000 đ/cái, chậu lớn nhất (1,5m đường kính) có giá 650.000 đ/cái, nhưng thông thường loại chậu bán đắt hàng nhất có đường kính 1m trở xuống, giá khoảng 250.000 đ/cái.

Theo ông Năm Thanh, xu hướng 2 năm nay người dân xài chậu nhiều, không chỉ mua về để trồng hoa, mà còn trồng rau, thanh long và nuôi cá kiểng… Dự kiến, thời gian tới các loại chậu kiểng sẽ hút hàng. Tuy nhiên, muốn tăng sản xuất thì cần phải mở rộng mặt bằng và đào tạo nghề cho lao động mới. “Bình quân, chỉ cần học trong vòng nửa tháng thì có thể làm được”- ông Năm Thanh nói.

Hiện, nghề làm chậu kiểng tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập bình quân khoảng 200.000 đ/ngày. Do nhu cầu chậu kiểng ngày tết tăng cao nên “năm nào nhân công cũng làm đến 29 tháng Chạp, sau khi đã giao hàng xong cho khách mới nghỉ ăn tết”- ông Năm Thanh cho biết.

Ngoài tự nhân giống các loại hoa, kiểng lá, ngày tết ông Năm Thanh còn mua thêm các giống mới về bán.
Ngoài tự nhân giống các loại hoa, kiểng lá, ngày tết ông Năm Thanh còn mua thêm các giống mới về bán.

Ông Năm Thanh dự kiến, vụ tết năm nay sẽ tung ra thị trường 100 chậu mai vàng lớn nhỏ, khoảng 500 chậu cúc và 2.000 chậu vạn thọ; đồng thời ông còn mua thêm các loại kiểng lá về bán. “Chỉ tính riêng tiền bông, mỗi tết tui bán được khoảng 20 triệu đồng, bỏ túi cũng được vài triệu đồng tiền lời”- ông Năm Thanh nói.

“Điều đặc biệt là ông Năm Thanh rất khéo trồng vạn thọ, năm nào bông cũng to đều bằng cái chén lớn nên mọi người rất thích. Chính vì vậy, dù bán giá cao nhưng vẫn đắt hàng”- anh Nguyễn Văn Út- Công chức văn phòng thống kê, thi đua- khen thưởng, tôn giáo xã- cho biết thêm.

Theo ông Thanh, đời sống người dân nông thôn mình thay đổi gấp 2- 3 lần so với cách đây 5 năm. Hầu hết lao động ở nông thôn đều có việc làm ổn định. Hiện, mỗi gia đình chủ yếu có 1 người ở lại làm ruộng, còn lại là đi làm tại các công ty, xí nghiệp nên “khi có công chuyện muốn tìm lao động nam phụ việc cũng trần thân”- ông Năm Thanh nói. Song, nhờ thu nhập nâng cao nên người dân đầu tư nhà cửa ngày càng khang trang, những năm gần đây đón tết cũng sung túc và đầm ấm hơn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI