Ruộng đồng cuối năm

Cập nhật, 06:25, Chủ Nhật, 15/12/2019 (GMT+7)

Ruộng đồng cuối năm là của những ngày xưa ấy, ký ức của thời gian bắt đầu bước vào mùa khô khi gió bấc đã thổi đầy, mang hơi lạnh về với vùng đất phương Nam. Lai rai trời rớt mấy cơn mưa trái mùa và lung đìa trong đồng vẫn còn đọng nước, vậy nên có người vẫn chưa chịu là mùa khô thật sự.

Nhưng các sinh hoạt cũng đã dần chuyển sang nhịp điệu khác rồi, có gì đó chộn rộn hơn, nôn nao hơn dù chưa phải là lúc thu hoạch lúa mùa.

Đồng ruộng ngày nay đã khác xưa, nên chuyện tát đìa cũng dần lùi xa vào dĩ vãng.
Đồng ruộng ngày nay đã khác xưa, nên chuyện tát đìa cũng dần lùi xa vào dĩ vãng.

Mọi công việc đồng áng bận rộn hồi đầu mùa mưa, mấy tháng nước nổi lêu bêu thì lo chuyện cá mắm thiên nhiên; nhưng mùa nước cạn cá rút xuống các lung đìa, đây lại thêm mùa thu hoạch cá lớn cuối cùng trong năm.

Nhưng phải nói những chủ đìa, chủ đất lớn chủ yếu tính chuyện bán cá đi chợ xa, chớ tết nhứt người ta chỉ lo cái khoản thịt heo là số một. Nhiều nhà đã bắt đầu nuôi heo từ 6- 7 tháng trước, để những ngày cuối tháng Chạp thì cân lấy tiền hoặc chia thịt chịu cho bà con ăn tết, đợi tới mùa thu hoạch mới đong lúa trả tiền.

Nhưng trước khi xôn xao sửa sang nhà cửa hay chuyện chia thịt heo, thì những ngày đầu tháng Chạp bắt đầu xôn xao cái thú vui đìa bộng. Tát đìa mùa này nó… vui lây cả xóm làng, mấy đứa nhỏ soạn lại mấy cái giỏ thứ vừa quảy trên vai, tay không vậy thôi cứ canh me nhà ai tát đìa thì tới đứng bu quanh trên bờ, đợi bắt hôi.

Cá mắm coi như ngày nào cũng ăn, vậy mà nghe tát đìa là trong bụng bồn chồn như kiến cắn; cá lóc, cá trê, rô mề cỡ bàn tay vàng nghín, ăn ngả nào cho hết. Nia, xịa, giàn mướp, giàn bầu treo đầy khô, vậy mà cũng ham đi bắt cá. Vậy nên, khô mắm xứ này phải gọi là hảo hạng.

Cái đìa thấy tự nhiên vậy, chớ nó chứa đầy kinh nghiệm của người dân đồng bằng; một cuộc “đánh lừa” ngoạn mục để dẫn dụ mấy bầy cá mới lớn, để thành cuộc thu hoạch. Miệt U Minh, vùng rừng ngập ngọt thì khỏi nói rồi và thu hoạch có khác, họ thu hoạch cá đìa sau tết và sau cả khi thu hoạch xong lúa mùa.

Vùng đồng ruộng bằng phẳng thì họ có kinh nghiệm khác; trước mùa nước rút, cá đồng những con lớn đa phần đã biết đường bơi về sông rạch; những đàn cá nhỏ “ham vui”chờ gió bấc về nên thường mắc kẹt lại trên đồng.

Hồi xưa, người ta đào những đìa sâu, rộng như những khúc sông, kín đáo làm nơi trú ẩn lý tưởng cho cá chờ mùa mưa mới. Do vậy, người có kinh nghiệm thường chuẩn bị chà- những nhánh cây to, không gai, để rụng lá, bỏ xuống đìa tạo cảm giác an toàn cho cá, vừa hạn chế người khác đi chài lưới trộm.

Mặt đìa quăng thêm một ít lục bình cho mát, thời gian ngắn sẽ nở đầy mặt nước. Những cái đìa trúng lớn bao giờ cũng là đìa sâu, dài, có một đầu thông với ruộng, còn đầu kia thông với sông rạch.

Trước khi có máy Kole hay máy BS, người ta tát đìa bằng gàu dai, cứ 2 người 1 gàu, đìa lớn tập trung nhiều người tát sòng mấy ngày đêm, vậy nên thêm cái vụ tát đìa vần công như cấy lúa, cắt lúa vần công vậy.

Người không có đìa, đi tát phụ thì được chia cá. Đìa rộng tát qua đêm, lại thêm cái chuyện chủ đìa phải ngủ giữ vừa canh trộm cá vừa giữ cá lớn tìm đường mà đi. Những nhóm đàn ông ngủ giữ đìa rì rầm chuyện trò, uống trà quạu, vui vui thì bày tiệc đồng lai rai vài xị cho đỡ uể oải chân tay. Mấy đứa nhỏ cũng đeo theo bất chấp đêm hôm muỗi mòng bay như rải trấu.

Ruộng rẫy mùa này rảnh rỗi nhưng nhờ tát đìa mà đông vui như mở hội trên đồng. Nhóm đàn bà thì lo khâu hậu cần cơm nước và mần cá; cánh đàn ông là xôm tụ nhất, cái đoạn mà nước cạn phơi dần đáy đìa cá phần rút về phía máy bơm, lớp chạy tán loạn đâm cả vào chân người, tiếng cười la vang động thật vui nhộn.

Đặc biệt, những con cá lóc cối rất khôn, nhiều khi từ dưới cách hơn nửa thước vậy mà nó phóng một phát là chui tọt vô hang ẩn nấp.

Mấy thằng nhỏ mê nhất hạng là những cái đìa sâu rộng, lâu năm, những đìa bùn càng dày càng đã, để khi chủ đìa bắt cá xong hô to: “Hôi đi!” thì từ trên bờ tụi nó nhào đại xuống đìa tranh nhau bắt cá sót.

Những con cá trê, cá rô mề nằm im dưới mặt bùn, nên chủ đìa không cách gì bắt hết. Lúc này, họ lo vận chuyển cá về nhà, ra lộ bán cho bạn hàng chở đi chợ xa. Những người gánh cá, những chiếc xuồng khẳm lừ cá hoặc trưng dụng những xe cộ bò, chở từng thùng cá đầy ắp đi về.

Hàng trăm ký, mấy trăm ký cá, chủ đìa rủng rỉnh tiền bạc mua sắm tết. Còn những đứa đi hôi cá, chịu khó cũng quảy đầy giỏ cá đi về. Cái chuyện cho bắt hôi, nghiệm lại đúng là nghĩa tình người miền Tây, người giàu có đất rộng, có đìa sâu thu hoạch lớn ăn tết, thì cũng chừa một phần cho bà con nghèo có thêm vài ký cá ăn lấy thảo.

Mấy thằng nhỏ đi bắt hôi thương lắm mà vui lắm, có khi đứng trên bờ hai ba thằng lại canh me một chỗ, thấy con cá nằm im, khi nhào xuống thì tranh giành nhau mà cãi cọ chí chóe. Có thằng rắn mắc hay trửng giỡn, lâu lâu đè giò thằng kế bên mà hốt, rồi la làng bắt dính con cá bự.

Đi bắt hôi thì khoái đìa cũ, bùn sâu… con nhà nghèo thì quần cũ dây thun giãn, lo rút cái chân lên bườn tới trước bắt cá, nhiều khi mà… tuột quần hổng hay. Vậy mới có chuyện thằng bắt cá mà mò được cái quần “vợ thằng Đậu”.

Mấy ngày về quê, xách xe chạy vòng vòng cánh đồng lớn, nhớ chuyện ruộng đồng những ngày cuối năm, chỉ thấy mênh mông ruộng lúa, cũng chẳng còn chuyện lung hoang, đìa cũ như xưa. Đất đai không còn chỗ trống, cũng chẳng còn bao nhiêu cá mà bà con tính chuyện đào đìa để mà bắt cá những ngày cuối năm.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG