Nơi ươm mầm cho sinh viên khởi nghiệp

Cập nhật, 22:35, Thứ Tư, 11/12/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, các trường ĐH trong tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên (SV) khởi nghiệp. Từ đó, nhiều ý tưởng hay, mới ứng dụng khoa học- công nghệ mới được ươm mầm. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ như mong muốn, các ý tưởng hay cần được hiện thực hóa nhân rộng ý thức khởi nghiệp trong SV.

Sinh viên cần chủ động học hỏi, nghiên cứu để khởi nghiệp.
Sinh viên cần chủ động học hỏi, nghiên cứu để khởi nghiệp.

Nhiều ý tưởng mới

Từ năm 2018, Trường ĐH Cửu Long đã triển khai các đề án hỗ trợ SV khởi nghiệp của Chính phủ. Nhà trường cử cán bộ, giảng viên đi tập huấn về sáng tạo khởi nghiệp về truyền lại cho SV. Nhờ đó, SV nhận thức được về hệ sinh thái khởi nghiệp, phân biệt giữa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với lập nghiệp truyền thống.

Buổi nói chuyện và tặng sách Học làm người- sách khởi nghiệp trong tủ sách Nền tảng đổi đời của Đặng Lê Nguyên Vũ- Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên; buổi nói chuyện về cuộc đời khởi nghiệp của ông Huỳnh Uy Dũng- Chủ tịch Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến (Bình Dương) và gần đây nhất là buổi nói chuyện với diễn giả Nguyễn Thị Mỹ Ngọc- giảng viên Chương trình bệ phóng Việt Nam digital 4.0.

Các hoạt động này của Trường ĐH Cửu Long đã thu hút hơn 1.500 lượt SV tham gia. Ông Trần Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và quản trị doanh nghiệp- cho biết: “Nhờ đó, SV có thể nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo từ khi còn ngồi học ở ghế nhà trường và nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp khi ra trường”.

Sau 1 năm hoạt động, Cà phê SV khởi nghiệp đặt tại căng tin Trường ĐH Cửu Long đã đi vào hoạt động ổn định mang lại thu nhập tốt cho SV.

Anh Phan Ngọc Diễn- Bí thư Đoàn trường- cho biết: “Có 20 SV đang làm việc theo ca tại đây, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng. So với ngày đầu khởi nghiệp, quán đã có thu nhập tốt hơn và tăng 14 SV làm việc tại đây. Trong đó, có 5 SV Lào”.

Cà phê Khởi nghiệp của SV Trường ĐH Cửu Long được thành lập dựa trên nguồn vốn đầu tư hơn 90 triệu đồng do nhà trường hỗ trợ với hình thức trả góp không lãi suất.

Ngoài kinh doanh, Cà phê khởi nghiệp còn tổ chức hội thảo tư vấn khởi nghiệp hàng tháng do Trung tâm Hỗ trợ SV phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long thực hiện. Ngoài ra, tùy điều kiện có thể cho SV kinh doanh thêm và quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp hợp tác khởi nghiệp cho SV.

Dự án tạo điều kiện cho SV tiếp cận các mô hình khởi nghiệp từ kinh doanh vừa và nhỏ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời tham gia trực tiếp vào quy trình thực hiện khởi nghiệp của SV.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Vĩnh Long, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đều có phong trào khởi nghiệp thiết thực.

Tiêu biểu các ý tưởng, dự án của nhóm SV Trường ĐH Xây dựng Miền Tây “làm giàu từ cây không khí”, dự án kinh doanh “lắp đặt tháp rau và cung cấp rau hữu cơ, cung cấp rau sạch cho nhà phố”. Nhóm SV ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long dự án “thiết kế chế tạo mô hình khung hỗ trợ lực chân”, mô hình “nuôi cá tra sử dụng thảo dược”,… Nhìn chung, các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đã được thiết lập trên địa bàn tỉnh.

Giảng viên chính là người khơi nguồn, giúp đỡ các ý tưởng.
Giảng viên chính là người khơi nguồn, giúp đỡ các ý tưởng.

Ngày 1/9/2018, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã thành lập “Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” để đồng hành với SV ươm mầm các ý tưởng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Bước đầu nhà trường đã đạt được những thành công nhất định qua các cuộc thi khởi nghiệp.

Đặc biệt, năm 2018, SV Phan Tấn Khải- Khoa Công nghệ thực phẩm của trường- đã giành được giải ba cuộc thi học sinh, SV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 do Bộ GD- ĐT tổ chức. Tấn Khải cho biết: “Nuôi cá tra bằng thảo dược là quy trình chăn nuôi sạch, giúp cá tra tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, ít bệnh tật, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với sự thay đổi môi trường.

Thời gian xuất bán sẽ rút ngắn từ 5-7 ngày so với mô hình chăn nuôi cá tra truyền thống. Cá tra thương phẩm sẽ hạn chế được phần lớn dư lượng các chất kháng sinh, thuốc thú y trong việc điều trị và nuôi cá”.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng tích cực hỗ trợ những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp. SV Lê Phương Thảo- ngành Kỹ thuật công trình xây dựng (ĐH Xây dựng Miền Tây)- đang dự thi ý tưởng khởi nghiệp: kinh doanh cây không khí. Hiểu được tầm quan trọng của cây không khí và có chút am hiểu về cây kiểng nên Thảo lên ý tưởng và dự thi khởi nghiệp. Thảo cười cho hay: “Em được thầy cô hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là Đoàn trường khuyến khích và hướng dẫn tận tình”.

Có thể thấy, các trường ĐH ở Vĩnh Long đang hỗ trợ hết mình cho những ý tưởng khởi nghiệp nở rộ trong SV. Tuy nhiên, vấn đề khởi nghiệp trong SV vẫn còn khá mới mẻ, việc đưa tài sản trí tuệ từ sản phẩm nghiên cứu khoa học trong SV ra thị trường và chất lượng dự án khởi nghiệp từ SV tham gia các cuộc thi khởi nghiệp chưa đạt chất lượng cao. Những hạn chế cơ bản thường thấy là lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư,…

Ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho rằng, chúng ta chưa xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp như mong muốn chưa có định dạng cụ thể, tham gia thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, ý chí làm chủ trong bộ phận giới trẻ đa số còn mơ mồ, ý chí làm chủ phải được tôi luyện từ trong nhà trường. Các trường nâng cao chất lượng đào tạo giảng dạy để chất lượng ra trường tốt. Ý tưởng, dự án khởi nghiệp chỉ dừng lại ở lực lượng trẻ, chủ yếu là SV và rất ít SV nông thôn

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN