Tùy bút

Chiều quê

Cập nhật, 16:22, Chủ Nhật, 27/10/2019 (GMT+7)

MINH ĐIỀN

Năm tháng qua đi, thời thơ bé của tôi cũng qua đi. Có nhiều khi ngồi một mình tôi nhớ đến quê hương miền Tây sông nước rất nhiều. Tôi nhớ lắm cánh đồng lúa chín có cánh cò bay lả, nhớ đêm trăng sáng độ hè về, nhớ chiếc cầu tre bắc qua sông nối đôi bờ con rạch nhỏ... Tùy theo từng khoảnh khắc thời gian mà hình ảnh bình dị ấy bất chợt gây cho tôi cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng. Nhất là những buổi chiều về.

Buổi chiều về trên quê tôi bắt đầu khi mặt trời khuất sau những rặng cây trải dài xa tít. Mang theo những vệt nắng muộn màng trong ngày. Bóng chiều lan tỏa trên bến sông hòa quyện vào sóng nước mênh mông.

Bầu trời như dịu nhẹ hẳn đi, mọi vật chuẩn bị bắt đầu đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Trong khoảng trời mênh mông, đàn cò nối đuôi nhau gấp rút bay bay về chốn cũ. Những con trâu từ trên những cánh đồng quê hương, thôi gậm cỏ lục đục trở về chuồng.

Xa xa, trên những ngôi nhà khói lam chiều lan tỏa trên những mái tranh. Người nông phu sau một ngày làm việc vất vả trong những vườn cây ruộng lúa cũng trở về gia đình cùng sum họp trong bữa cơm ấm áp. Lúc này, tiếng chuông chùa ngân vang làm cho cả một thôn xóm nhỏ thêm trầm lắng, tiếng trống công phu quen thuộc cũng bắt đầu điểm.

Cả làng quê chìm sâu vào không gian trời chiều đẹp như một tấm thảm vàng trải rộng. Trước một buổi chiều quê lãng mạn như vậy, lòng tôi bao giờ cũng ngân nga biết bao câu thơ, câu hát quen thuộc, mà qua đó ký ức tôi lại có ấn tượng như chính buổi chiều của quê mình:

“ Xuyên mây vệt ráng muộn màng

Bóng chiều như trải thảm vàng cảnh quê”

(“Chiều quê”- Đinh Đức Được)

Buổi chiều như thế luôn làm cho con người có một tâm trạng nao nao, xao xuyến, rạo rực trước cảnh vật, rồi nghĩ đến những người mà ta yêu thương nhất. Có thể, cùng người bạn tri kỷ ngồi bên ly cà phê, thả hồn theo khúc nhạc êm êm giữa không gian chiều.

Hay ngồi ngắm hoàng hôn tắt dần trên sóng nước bao la để tìm một chút yên tĩnh trong tâm hồn sau những giờ lao động vất vả. Thật thú vị biết bao với những buổi chiều được hẹn hò cùng với người ta yêu, được nghe hay nói lời yêu ngọt lịm. Khi ấy buổi chiều thật lãng mạn khiến cho người ta nhớ mãi.

Ấy vậy nhưng, chiều quê, cũng đã làm thổn thức biết bao nhiêu trái tim của những người xa xứ, nhất là người phụ nữ xa nhà, lấy chống xứ lạ. Mỗi khi chiều đến, nhìn lũy tre, rặng dừa thấp thoáng trong khoảng không gian rộng lớn, cảm giác như đâu đó ở không gian chiều là hình ảnh của quê mình, rồi chạnh lòng nhớ quê, đan xen với nỗi nhớ cha mẹ. Bất giác tiếng chim vịt ở đâu đó cất lên giữa không gian trời chiều, làm quặn lòng bao cô gái trẻ:

“Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”

(Ca dao)

Cho dù như thế nào đi nữa, chiều quê đối với tôi là thời khắc chất chứa tình yêu quê hương nhiều nhất. Nơi đó không chỉ có những hình ảnh của làng quê thanh bình yên ả từng gắn bó với tôi suốt cuộc đời thành nhân, mà còn có biết bao nhiêu người thân yêu của tôi còn được gìn giữ trong tiềm thức.

Những người bạn từ thuở ấu thơ với nhiều trò chơi vui vẻ trong khoảng sân rộng, biết bao tiếng cười, tiếng nói hồn nhiên trẻ dại như còn vang lên đâu đó dưới trời chiều. Thời khắc ấy cũng đã ấp ủ bao niềm thương về những người thân yêu nhất bên mâm cơm sum họp, những hành động sẻ chia thể hiện sự quan tâm hết mực.

Hay khơi gợi kỷ niệm về tuổi hai mươi hồn nhiên trong trẻo, đáng yêu rạo rực với những buổi hẹn hò vụng về, trẻ dại với người ta yêu trên con đê chiều ở quê hương... Tất cả kết đọng thành hồn quê như ngủ say trong tôi, rồi chợt thức mỗi khi chiều về:

“Ôi hồn quê, hồn thức lúc ban chiều

Nhìn chiều quê nắng mơ càng thấy lòng yêu”

(Lời bài hát “Chiều quê”- Hoàng Quý)

Vì vậy, trời chiều không chỉ là thời khắc cuối cùng trong ngày của thiên nhiên, mà nó còn mang ý nghĩa sum họp, đoàn tụ và gặp gỡ. Tùy theo ấn tượng của mỗi người mà cất giữ một hình ảnh đẹp của chiều quê, cùng một ký ức, một tâm trạng khó quên. Để chiều nơi cố hương cứ sống mãi cùng tâm hồn người theo năm tháng.