Có một vùng đất như thế!

Kỳ 1: Dấu xưa còn đây

Cập nhật, 21:31, Chủ Nhật, 17/03/2019 (GMT+7)

“... Có những từ ngữ, biểu hiện, lời nói... nghe và thấy được chỉ mất vài giây. Nhưng để trải nghiệm, hiểu trọn vẹn và thấm thía về nó; người ta lại phải đi hết tới nửa hoặc cả đời người...!”

Đó là lời mở đầu của lão Tám Minh mỗi khi kể về lịch sử hình thành phát triển quê mình. Ông ngoài 80 tuổi. Cư dân xã Đồng Phú từ thuở lọt lòng.

Dấu xưa

Đất Đồng Phú những năm đầu có chủ quyền dân Việt Nam; diện mạo khác hẳn ngày nay. Sau hơn 200 năm người ta vẫn còn nhận ra dấu vết thuở xa xưa: Chỉ có vài “gò đất”, nước sông bao bọc chung quanh. Cư dân rất thưa thớt. Những “gò đất” đến giờ vẫn còn mang tên: “Sóc Sâu, Giồng Gòn, Rầm Ri, nền Cây Táo, gò đình Phú Thuận...”

Theo TS. Trịnh Cao Tưởng- Trưởng đoàn khảo cổ học, khảo sát 1985- nhận định: “Vùng đất có dân cư theo gò cao vào thế kỷ thứ IV, V, nước sông Cái xâm lấn sâu vào đất Đồng Phú hiện nay”.

Tổng Bổn là vị tổng binh trấn thủ khai phá khu bãi bồi rộng lớn hồi những năm đầu mới có dinh Long Hồ. Ngày nay dân gian vẫn gọi vùng đất ông khai phá là cồn Tổng Bổn. Mộ ông tọa lạc trong khuôn viên đình thần Phú Thuận, được dân làng chăm sóc giữ gìn.

Cũng nơi đây, năm 1813- 1867, tiền đồn thành trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long). Ngày nay địa danh Doi Đồn vẫn còn...

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Nét riêng tín ngưỡng

Ngoài đình thần ở mỗi thôn, dân làng lập miếu thờ những vị, đấng theo tín ngưỡng dân gian, gọi là miếu Vạn. Vạn là hình thức tập hợp nông dân để sản xuất, sinh hoạt đời sống.

Thờ các vị, đấng để nhớ ơn, cầu mong các vị, đấng phù hộ dân làng. Chẳng ai gọi tên các vị, đấng đó. Chỉ gọi là miễu “Trắng”, miễu “Đỏ”, miễu “bà Hộ” (tên người lập miễu là Lê Thị Sanh, phú hộ ở ấp Phú Hòa).

Không gọi tên vì sợ thất lễ, sợ quở phạt và sự hiển linh thường xuyên được củng cố. Không hề có biểu hiện giải thiêng. Nông dân khi có tranh chấp không tìm được nơi phân giải thỏa mãn thì cùng nhau đem gà đến cửa miễu. Thống nhất lời lẽ, rồi bẻ cổ gà cùng thề. Xong, không ấm ức nữa. Giờ... kiểu “hòa giải” này, thỉnh thoảng vẫn còn.

Ở lĩnh vực vạn vần đổi công, có nhiều vạn lắm: vạn cuốc đất, đào mương, phác cỏ, cấy bứng lúa, nhổ mạ, nôm cá, bắt chim,... Khi có chủ quyền. Đồng Phú không hề có cơ sở hoạt động tôn giáo. Đến năm 1959, Tổng giám mục Ngô Đình Thục xây 2 nhà thờ Thiên Chúa ở xóm Thủ Thể- Bà Kẹo và cạnh chợ xã.

Địa danh “Đất Cai vạn Độ” có chừng 200 năm trước, thuộc ấp Bình Tòng. Một vùng đất “cò bay thẳng cánh” là nơi ông Độ làm Cai vạn.

Dân Đồng Phú đinh ninh nơi mình có dấu vết “mẫu hệ”. Bởi họ dựa vào những địa danh: Bà Cò, Bà Uyển, Bà Nhàn, Bà Kẹo, Bà Hộ,... mà không có tên “Ông”. Không phải vậy, bởi đây là vùng đất mới, có chủ quyền dân Việt từ năm 1732. Cư dân từ Bắc sông Tiền di sang.

Suốt thời gian dài cư dân sinh sống trong hoàn cảnh đầy xáo trộn: Chiến tranh Trịnh- Nguyễn ngót 245 năm, kể cả thời hưu chiến. Tới giao tranh Nguyễn Huệ- Nguyễn Ánh. Rồi Pháp- Mỹ đô hộ ngót 117 năm... dẫn đến kẻ địch nghi kỵ... đàn ông là thành phần gây bất ổn.

Còn nữ giới là hạng người “đái không khỏi ngọn cỏ”. Đàn ông làm giấy thuế thân hay các loại giấy tờ khác đều ghi chữ “dốt” hoặc “lăn tay”. Nữ được đứng tên trong “Bài chỉ trâu” và không ai nghi ngờ là trộm đạo hay làm chính trị. Người ta chỉ dám gọi “Bà”.

Đi tìm tên xứ sở

Né tránh sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hạn chế trở lực là khả năng vốn có của con người. Biểu hiện ấy càng nổi bật ở đất Đồng Phú.

Người ta sử dụng những con rạch: Rầm Ri, Phú Mỹ, Cái Bần, Ngã Bát, Rạch Dinh, Bình Tòng, Đầu Đất... lần hồi tạo thành đường nước dài 4 cây số. Đi tắt từ dòng Tiền Giang đến dòng Cổ Chiên, rút ngắn khoảng cách.

Đồng thời tránh hiểm nguy nơi đoạn sông Tiền có miễu thờ “Hà dương thủy phủ chi thần”. Dân gian gọi miễu Ông, dinh Cậu.

Không chỉ có thế, đường nước ấy được mang tên kinh Mương Lộ, như một điểm xuyết vô cùng thú vị cũng là thước đo trí tuệ dân làng. Đúng là “Độc nhất một địa danh”, dường như tên kinh Mương Lộ chưa thỏa. Người ta còn gọi là kinh Cứu Khổ.

Năm 1934, người Pháp sáp nhập nhiều thôn đầu cù lao Minh thành xã.

... Thôn An Thành nhập vào thôn Bình Lương. Ban hội tề 2 thôn tranh cãi: An Bình hay Bình An? Người thôn An Thành thì đòi đặt tên An Bình. Người Bình Lương cãi lại, đòi đặt tên Bình An. Cuối cùng nhờ “nhà thông thái” không ở 2 thôn đó quyết định tên An Bình như ngày nay.

Giống xã An Bình, thôn Bình Long, Phước Định, Hòa Ninh nhập lại. Lúc đầu cũng tranh cãi. Cuối cùng theo hướng của mỗi thôn thành xã Bình Hòa Phước.

Thôn Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Mỹ như thôn bạn. Song, ban hội tề các thôn không hề tranh cãi, thống nhất giong buồm xuống đình thần Rạch Rầm, Xoài Hột, Mỹ Tho, gặp Chánh bái Giá nhờ tìm tên xã...

Lúc đầu Chánh bái Giá tỏ ra khiêm tốn: “... Việc đặt tên xã, quý hội tề trên đó quyết mới phải!” Sau một lúc, thấy đoàn khách thiết tha, thành khẩn, ông chánh bái chậm rãi điểm qua 3 thôn: “Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Mỹ”. Bỗng nhiên ông mỉm cười. Môi ông mấp máy: “Nhị Phú, Tam Phú đều có giới hạn, vậy cùng giàu đi...!”

Chủ, khách cười thỏa mãn. Đoàn ta kéo buồm trở về, mang theo tên Đồng Phú đến ngày nay...

Làng biệt danh

Chuyện quê nhà Tám Minh nói ai không chú ý cũng thuộc. Như chuyện làng... biệt danh... Ở làng Phú Thuận (ấp Phú Thuận) dường như mỗi người dân đều có biệt danh. Gọi mãi thành quen. Riết rồi con cháu quên mất tên “cúng cơm” của ông bà, cha mẹ.

Dân làng có tính trào phúng, cà rỡn, chọc ghẹo. Ở vùng đất khẩn hoang, dân tứ xứ không rõ tên tục. Người có địa vị trong làng thì không thể gọi tên tục, vì như vậy là thất lễ. Chỉ còn cách đặt biệt danh để phân biệt nhau. Đặt biệt danh theo nghề nghiệp, đặc điểm cá nhân. Nói láy, kiểu “tục giảng thanh” hay tuồng tích...

Người ta đặt biệt danh còn nhằm thỏa mãn tính cà rỡn, trào phúng, chọc ghẹo, tạo dư luận, làm mắc cỡ, thành khuôn khổ, trói buộc. Như gọi thầy đội để chỉ ông Tú. Ông Cảnh gọi ông Hù. Ông Lành lúc nào cũng ăn vận bảnh bao nên gọi Thủ Bổn.

Ông Mười Tôn, ông Tám Cứ nhà cạnh nhau. Ông Tôn vẫn được gọi tên Tôn. Còn ông Cứ thì gọi ông Lò. Ông Bảy Lợi thì cả làng chẳng ai biết tên. Cả con cháu chỉ biết ông là Ô Hắc (Ô Hắc Lợi là chồng công chúa Thoại Ba trong truyện Tàu). Ông Hai Lai thì gọi là thầy Ký... “Ký Lai”... mà! Cái nghề đến chết chưa làm.

Ông Ba Trân qua đời lúc 85 tuổi. Cả làng chỉ biết tên ông là Ba Ấp Rào. Bởi ông yêu mến gia đình, dòng họ khá đặc biệt, nên dân làng dùng hình tượng ấp ủ, che chắn, rào giậu đặt biệt danh.

Chàng thanh niên người làng An Hữu (Cái Bè) làm lái buôn lúa. Đến rạch Dứa (Phú Thuận) lấy cô chị cả làm vợ, rồi tự nhiên mang tên Hai Lái Lúa. Chàng thanh niên khác gốc cù lao Tân Phong (Cai Lậy) cưới cô em, nghiễm nhiên thành ông Ba Lái Nếp. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông thành liệt sĩ cùng người con trai.

Nói như bình luận về làng... biệt danh của mình, Tám Minh chậm rãi từng câu...

Suốt thời gian dài, cái tính, cái cách cà rỡn, trào phúng ấy đã trở thành văn hóa đặc biệt xứ này. Sức mạnh phát sinh từ làng... biệt danh là sức mạnh dư luận vô cùng lớn lao, sâu kín, cay độc.

Nó tạo chất cộng đồng cao; xúm xít, ràng buộc êm ái. Khi pháp luật chưa phát triển thì nó là khuôn khổ, quyền lực mềm, trừng phạt bản năng, làm con người luôn mắc cỡ, sống trật tự.

Mỗi lần nói đến làng... biệt danh, Tám Minh cao hứng hẳn lên, đọc câu thơ: “Mắc cỡ là thuốc nhà quê/ Ai mà không mắc cỡ nào cũng tiêu!”

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

NGUYỄN HỒNG TÂM