Được đề nghị cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

Cập nhật, 06:32, Thứ Sáu, 05/02/2021 (GMT+7)

(VLO) Tôi và 1 người trong dòng họ đang tranh chấp 1 tài sản có giá trị khoảng vài chục triệu đồng. Tranh hoài không xong, tôi dự định khởi kiện ra tòa án. Tài sản tranh chấp do người kia chiếm giữ. Khi nghe tôi khởi kiện, người này có động tác rao bán tài sản này. Vậy, tôi phải làm sao?

L.T.M. (Cái Bè- Tiền Giang)

Trả lời: Trước mắt, nếu tranh chấp hoài không xong, chị có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Sau đó, chị đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đó là “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”, để được xem xét. Đây là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại khoản 7 Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Và theo Điều 121 Bộ luật Tố tụng Dân sự: Trường hợp “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

Xin lưu ý với chị, khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Dân sự có quy định về việc buộc thực hiện biện pháp bảo đảm: Người yêu cầu tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 của bộ luật này phải nộp cho tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ