Hậu quả không lường từ những hợp đồng giả cách

Cập nhật, 12:52, Thứ Ba, 14/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) vay tiền nhưng lại lập hợp đồng chuyển nhượng nên khi 1 trong 2 bên vi phạm nghĩa vụ thì không chỉ thiệt hại về quyền lợi mà có khi còn đi tù vì những hậu quả do chính mình gây ra.

Biết việc lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nhằm che đậy hành vi cho vay lấy lãi là sai nhưng người cho vay vì lợi nhuận đã ép “con nợ” phải ký, còn người vay đang cần tiền nên chủ nợ yêu cầu gì cũng gật đầu đồng ý. Đến khi vi phạm việc trả nợ, tài sản bị sang tên thì một số người không cam tâm đã gửi đơn khởi kiện ra tòa.

Như trường hợp của bà N.T.L. (ở TP Vĩnh Long) vay của anh L.V.T (ở Long Hồ) 200 triệu đồng nhưng không làm biên nhận vay tiền mà lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.

Sau khi vay, bà L. vẫn đóng lãi đều đặn nhưng anh T. lại âm thầm làm thủ tục sang tên rồi chuyển nhượng thửa đất đó cho người khác.

Khi bà L. phát hiện sự việc đã khởi kiện ra tòa nên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà L. với anh T. bị tuyên vô hiệu dẫn đến vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa anh T. với bên thứ ba.

Tương tự, anh L.T.L. khi vay 60 triệu đồng của chị Đ.T.N.T. (cùng ở TP Vĩnh Long) đã thế chấp QSDĐ của gia đình nhưng lại đến phòng công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng.

Sau khi vay, anh L. trả vốn và lãi được một thời gian thì ngưng nên chị T. gửi đơn ra tòa yêu cầu được đứng tên QSDĐ và tài sản gắn liền với đất vì đôi bên ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản trên với giá 52 triệu đồng. Hợp đồng được công chứng và chị T. đã trả đủ tiền nhưng đến nay phía anh L. vẫn chưa giao nhà đất.

Các thành viên trong gia đình anh L. không đồng ý với yêu cầu trên và cho rằng chỉ cho anh L. mượn giấy chứng nhận QSDĐ thế chấp vay tiền chứ không sang bán. Quá trình giải quyết vụ kiện, HĐXX cũng cho rằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nói trên là giả cách để đảm bảo tiền vay nên tuyên vô hiệu.

Tất nhiên, hậu quả của những hợp đồng giả cách khi bị tuyên vô hiệu thì người trong cuộc ít nhiều đều bị thiệt. Thậm chí có người còn vướng vào lao lý như trường hợp của ông H.Y.V. (giám đốc một công ty ở huyện Long Hồ).

Theo đó, bà T.T.C. (ở TP Vĩnh Long) vay của anh L.A.T. (ở Long Hồ) 100 triệu đồng, thế chấp QSDĐ bằng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Sau đó, bà C. không có khả năng đóng lãi nên anh T. tự liên hệ cơ quan chức năng làm thủ tục sang tên rồi bán lại nhà và đất cho ông H.Y.V.

Sau khi thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, ông V. và anh T. đến yêu cầu bà C. giao nhà đất nhưng bà C. không đồng ý khiếu nại đến chính quyền địa phương và nộp đơn khởi kiện ra tòa.

Trong thời gian chờ tòa giải quyết, ông V. lấy lý do đã được UBND TP Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận chủ sở hữu và muốn sửa lại nhà nên thuê người đến đập phá nhà bà C. nhiều lần gây hư hỏng hoàn toàn.

Do đó, ông V. bị truy tố ra tòa và HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm phạt ông V. 2 năm tù giam tội “Hủy hoại tài sản” và còn phải bồi thường thiệt hại cho bà C.

Ông V. cho rằng mình mua nhà đất từ anh T. giấy tờ hợp pháp nên việc bị truy tố là oan nên đã kháng án lên tòa phúc thẩm. Trong khi đó, bà C. nhà cửa tan hoang, anh T. thì đối diện với việc bồi thường thiệt hại cho ông V. nếu hợp đồng chuyển nhượng bị tuyên vô hiệu.

Qua đó cho thấy, hợp đồng giả cách là một hành vi lách luật sẽ để lại nhiều rắc rối không chỉ giải quyết bằng bản án của tòa mà còn phát sinh những bồi thường, tranh chấp nếu tài sản đó tiếp tục được chuyển nhượng cho bên thứ 3, thứ 4,…

DIỄM PHƯỢNG