Từ vụ án 30 tấn đường cát lậu kéo dài 7 năm

Cập nhật, 08:42, Thứ Ba, 17/11/2020 (GMT+7)

Vụ án xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu 30 tấn đường cát nhập lậu đã qua nhiều lần xét xử của cơ quan có thẩm quyền từ năm 2013 đến nay. Dù đã có quyết định thi hành án vẫn bị giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại và đến nay, mới có quyết định y án sơ thẩm vụ án kéo dài 7 năm này.

Cụ thể, tháng 5/2013 Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Long (nay là Cục QLTT tỉnh) kiểm tra, phát hiện bà Đ.N.B. (chủ cơ sở đường cát N.B., địa chỉ số 114, ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò- Đồng Tháp) có hành vi vi phạm “kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mặt hàng vi phạm là đường cát ngoại nhập” nên ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 15 triệu đồng, hình phạt bổ sung là tịch thu 30 tấn đường cát nhập lậu (trị giá bán thanh lý là 405 triệu đồng).

Sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bà B. không chấp hành mà khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy quyết định trên.

Đến tháng 10/2014, vụ việc được TAND tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử sơ thẩm. Kết quả, tòa quyết định bác yêu cầu khởi kiện của bà B. Không đồng tình với bản án, bà B. tiếp tục kháng cáo đến TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2016, tại bản án xét xử phúc thẩm về việc khiếu kiện hành vi hành chính về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, TAND Cấp cao đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà B., sửa bản án sơ thẩm và hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long.

Sau đó, Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long đã gửi đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm trên.

Đến tháng 1/2019, bà Đ.N.B. gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Vĩnh Long yêu cầu Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long trả lại 30 tấn đường cát. Sau đó, Sở Tài chính đã phối hợp với Cục QLTT tổ chức thoái thu tiền xử phạt vi phạm hành chính theo bản án phúc thẩm và chi trả cho bà B. 405 triệu đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2019, TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy bản án hành chính phúc thẩm, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long về vụ án khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp nhiều lần đôn đốc bà Đ.N.B. chấp hành quyết định xử phạt nhưng bà B. chưa tự nguyện chấp hành.

Vì vậy, đến tháng 6/2020, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long đã gửi đơn khởi kiện hộ kinh doanh (do bà B. làm chủ) đến TAND huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) để yêu cầu trả lại số tiền 405 triệu đồng (tương đương 30 tấn đường cát đã tịch thu). Cuối cùng, sau nhiều lần làm việc với TAND huyện Lấp Vò, đại diện theo ủy quyền của bà Đ.N.B. đã chấp nhận thi hành Quyết định giám đốc thẩm số 21/2019/HC-GĐT ngày 9/10/2019 của TAND Tối cao.

Có thể thấy, trong vụ việc trên, chủ của số hàng thì cho rằng số lượng đường đang bị xử lý là đường được pha trộn từ 2 loại đường trong nước sản xuất, phía cơ quan chức năng thì chứng minh rằng đây lại là đường cát ngoại nhập trên đường vận chuyển nhưng không hóa đơn chứng từ theo quy định. Trong quá trình giải quyết vụ việc có sự đối phó, nhọc nhằn trong việc xuất trình bổ sung hóa đơn chứng từ của chủ hàng.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh- cho biết: Một vụ việc xử phạt vi phạm hành chính mà kéo dài hơn 7 năm, qua 3 cấp giải quyết của tòa án thì cho thấy tính chất phức tạp của vụ việc, cách tiếp cận và nhìn nhận vấn đề của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp.

Có sự tranh chấp về tính chất pháp lý của các hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, mà đặc biệt là hàng hóa ngoại nhập đang trên đường vận chuyển. Qua vụ án này cho thấy, doanh nghiệp cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, quán triệt cho lực lượng kiểm tra xây dựng phương án tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các nhóm hành vi vi phạm như: hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi vi phạm về thương mại điện tử; hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… nhằm góp phần ổn định tình hình thị trường, bình ổn giá cả và đảm bảo lưu thông hàng hóa. Trước mắt, sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

THẢO NGUYÊN