"Cát tặc" điêu đứng với Nghị định 36

Cập nhật, 05:09, Thứ Sáu, 13/11/2020 (GMT+7)

 

Tháo gỡ máy công suất lớn dùng để hút cát trên phương tiện vi phạm.
Tháo gỡ máy công suất lớn dùng để hút cát trên phương tiện vi phạm.

Với những ai đã một lần đi hút cát không phép và bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì 2 từ “điêu đứng” là rất phù hợp.

Bởi theo Nghị định số 36 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực từ ngày 10/5/2020, thì các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm, trong đó hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện có liên quan.

Mức phạt này tăng cao so với Nghị định số 33. Dù vậy, do lợi nhuận từ cát khá lớn nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp vi phạm.

Như trường hợp của ông Đoàn Văn Tân (41 tuổi, ngụ xã Đồng Phú- Long Hồ) và ông Nguyễn Văn Ngon (35 tuổi, ngụ xã Tân Lợi, huyện Giồng Trôm- Bến Tre) vừa bị Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi người 15 triệu đồng, tịch thu toàn bộ phương tiện, tang vật có liên quan.

Cụ thể, vào đêm 17/9/2020, trong lúc lực lượng công an kiểm tra hoạt động khai thác cát sông trên tuyến sông Tiền thì phát hiện 2 ghe gỗ của Tân và Ngon đang dùng máy công suất lớn hút cát sông. Qua làm việc, cả 2 chủ ghe đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc khai thác cát sông. Tại thời điểm kiểm tra, mỗi ghe đã hút được từ 3- 4m3 cát.

Biện minh cho việc làm vi phạm của mình, ông Tân cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà có ghe không cần phải thuê, thấy người khác đi hút nên bắt chước đi theo. Tuy nhiên, khi bị xử phạt, tịch thu tang vật phương tiện, ông Tân mới vỡ lẽ là luật quy định xử phạt rất nặng.

Ông Tân nói: “Mình đâu có nghĩ là luật căng như vậy đâu, lâu lâu người ta kêu thì tôi đi hút chứ đâu có đi hoài. Mới hút chừng hai ba tháng nay, giờ xui thì chịu thôi. Bây giờ tôi thấy xử phạt nặng vậy nên tôi không dám đi nữa”.

Do lợi nhuận quá lớn từ việc khai thác cát sông trái phép nên có nhiều người bất chấp pháp luật để hút trộm cát sông. Theo người vi phạm, để tránh bị công an phát hiện, họ thường hoạt động vào ban đêm, chọn những đoạn sông nước chạy mạnh để có cát sạch, đồng thời ít phương tiện thủy qua lại.

Kết quả, 10 tháng đầu năm 2020, lực lượng cảnh sát môi trường- Công an tỉnh đã kiểm tra, xử lý 21 trường hợp liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản. Qua đó, đã củng cố hồ sơ xử phạt, đồng thời đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 vụ, 30 đối tượng, với tổng số tiền trên 545 triệu đồng. Trong đó, cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh đã khởi tố 3 đối tượng có liên quan.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Sáu- Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Trong đợt ra quân trấn áp các loại tội phạm, lực lượng cảnh sát môi trường đã tổ chức được 22 cuộc tuần tra, kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện 11 vụ, 17 đối tượng; tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh và UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 vụ, 14 đối tượng với tổng số tiền phạt là 360 triệu đồng. Quyết tâm kéo giảm, không để điểm nóng xảy ra về khai thác cát, trong thời gian tới, ban lãnh đạo đơn vị chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường nắm chặt tình hình trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn giáp ranh các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Lập danh sách các chủ phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác cát trái phép.

Thực tế cho thấy, thời gian qua do nhu cầu sử dụng cát san lấp nền của người dân cũng như lợi nhuận từ nguồn cát sông nên có nhiều đối tượng bất chấp quy định, thực hiện hành vi vi phạm. Hậu quả đã làm sạt lở nhiều khu vực trọng yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân khu vực cù lao, ven sông lớn.

Theo Nghị định 36 của Chính phủ, mức xử lý đối với những người vi phạm lần đầu trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu tang vật, tháo gỡ hệ thống bơm hút cát trên phương tiện. Và, nếu tiếp tục vi phạm với hành vi tương tự trong thời gian một năm, được tính từ thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính lần đầu thì sẽ bị xử lý hình sự.

Nghị định 36 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được Chính phủ ban hành ngày 24/3/2020, có hiệu lực từ ngày 10/5/2020, quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 48, cụ thể:

Điều 48. Vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát, sỏi ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc ngoài phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:

a) Từ 10- 20 triệu đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10m3.

Trường hợp đã vi phạm hành chính bị cơ quan chức năng ra quyết định về hành vi khai thác cát sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm trong thời gian một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định mà còn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 227, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên:

1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bài, ảnh: HOÀNG THÂN (CAVL)