Cảnh giác khi vay tiền qua điện thoại

Cập nhật, 06:12, Thứ Năm, 10/09/2020 (GMT+7)

 

Tin nhắn kêu gọi đầu thú của tài khoản vay tiền qua điện thoại gửi cho người thân người vay.
Tin nhắn kêu gọi đầu thú của tài khoản vay tiền qua điện thoại gửi cho người thân người vay.

Hiện nay, dịch vụ vay tiền qua app online chủ yếu được triển khai qua các app di động hoặc website trực tuyến với rất nhiều hình thức quảng cáo hấp dẫn như: chỉ cần điện thoại là có tiền, cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng...

Thế nhưng, khi đã dính bẫy vay tiền với lãi suất “cắt cổ”, không ít gia đình đã phải lâm vào cảnh khốn cùng, gây nhiều hệ lụy người thân và xã hội.

Từng hỏi vay tiền qua điện thoại, anh N.T.T. (TP Vĩnh Long) cho biết: “Do cần tiền gấp lại không vay được của người nhà nên tôi đánh liều vay qua Facebook 40 triệu đồng.

Tôi thấy quảng cáo trên Facebook là cho vay lãi suất 15 ngày đầu 0%, chỉ cần chứng minh nhân dân, 30 phút là có tiền nên tôi liên hệ số điện thoại trên trang Facebook đó.

Người nghe điện thoại tự xưng là nhân viên thu ngân, khi nghe tôi nói nhu cầu thì thông báo tôi phải đóng phí 75.000đ, kèm 150.000đ phí rủi ro, tôi thấy không có bao nhiêu nên chuyển khoản luôn, sau đó họ lại đòi 375.000đ, phí bảo hiểm, tôi thấy vô lý quá nên không vay nữa, đòi lại tiền thì bên kia tắt máy, tôi gọi lại thì không liên lạc được với thuê bao đó nữa. Chưa vay được tiền đã mất tiền oan”.

Trường hợp của chị T.T.N., làm công nhân (Mang Thít) thì nghiêm trọng hơn. Chị N. “lỡ” vay qua điện thoại 20 triệu đồng, cũng 0% lãi suất 10 ngày đầu. 1 tuần sau đó, chị đóng lãi đầy đủ nhưng sau đó thì mất khả năng chi trả.

Chỉ trong vòng 1 tháng sau, bên cho vay liên tục gọi điện, nhắn tin khủng bố đe dọa. Chị N. lúc đầu còn nghe máy xin khấc, bên cho vay chửi bới, sau đó chị không dám nghe máy nữa thì bên cho vay truy được số điện thoại người thân của chị N. để tiếp tục khủng bố và đe dọa với lời lẽ khó nghe.

“Bên cho vay nói cho thời hạn trong vòng 1 tuần không trả thì sẽ công bố hình ảnh thông tin gia đình tôi lên mạng. Tôi sợ quá không dám báo công an vì sợ lớn chuyện, số tiền tôi vay và số hiện trả đã lên gấp 5-6 lần”.

Cũng vì “người bà con xa” vay tiền mà chú N.V.D. (Mang Thít) bị vạ lây dù không thân thiết và cũng rất ít khi liên lạc.

“Tôi nhận được tin nhắn nói cháu bà con xa tên N. bị xe đụng nhập viện, phải liên hệ lại gấp. Tôi gọi lại thì đầu dây hỏi phải chú của N. không, rồi nói N. vay tiền không trả mà liên hệ không được, thấy số điện thoại của tôi trong hệ thống danh bạ của N. nên nhắn tin xác nhận, yêu cầu tôi phải vận động N. trả nợ, nếu không sẽ không yên thân.

Khi tôi gọi cho N. thì không liên lạc được. Nhiều ngày sau, số điện trên cứ nhắn tin làm phiền hoài, thậm chí lời lẽ khủng bố”- chú D. bực tức kể lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hình thức vay tiền qua mạng xã hội là sau khi tạo các trang, công ty cho vay sẽ thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng cáo cho người vay tiền biết hình thức vay tiền nhanh gọn trên điện thoại di động.

Người vay chỉ cần cung cấp họ tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh thư, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người thân… hoặc có nơi chỉ cần chứng minh nhân dân, “không cần chứng minh thu nhập, duyệt hồ sơ nhận tiền trong 30 phút”!

Thủ tục vay nghe có vẻ nhanh chóng, dễ dàng nhưng chỉ cần người vay sập bẫy thì “lãi mẹ đẻ lãi con”, trả hoài không hết! Nếu chậm hoặc không trả tiền vay, tiền lãi, tiền phạt, phía cho vay sẽ cho “lực lượng đòi nợ” làm đủ trò như đe dọa, khủng bố, nói xấu trên mạng xã hội, thậm chí truy số điện thoại, địa chỉ nhà.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân cần phải cảnh giác khi vay tiền qua những ứng dụng này. Nếu gặp khó khăn về vấn đề tài chính, có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả tiền vay.

Đồng thời khi phát hiện hoặc “lỡ” vay những app cho vay tiền với lãi suất cao, người dân cần liên hệ đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhằm tránh hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN