Từ năm 2010- 2015, bị cáo Lê Hữu Rí- nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm)- cùng 3 thuộc cấp của mình lập hàng loạt chứng từ khống "rút ruột" ngân sách nhà nước trên 4,6 tỷ đồng để chia nhau tiêu xài và mua quà tặng người quen.
Các tin liên quan |
Từ năm 2010- 2015, bị cáo Lê Hữu Rí- nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm)- cùng 3 thuộc cấp của mình lập hàng loạt chứng từ khống “rút ruột” ngân sách nhà nước trên 4,6 tỷ đồng để chia nhau tiêu xài và mua quà tặng người quen.
Ngày 19/7/2018, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trường THPT Võ Văn Kiệt. 4 bị cáo gồm: Lê Hữu Rí- nguyên Hiệu trưởng; Nguyễn Văn Sang- nguyên kế toán; Nguyễn Thị Đào- nguyên thủ quỹ và Lê Thị Đỗ Quyên- nhân viên của trường.
Cả 4 bị cáo bị Viện KSND tỉnh truy tố cùng tội danh “Tham ô tài sản”. Phiên tòa xét xử dự kiến trong 3 ngày 19, 20 và 23/7/2018.
Phiên tòa sơ thẩm vụ án tham ô tài sản ở Trường THPT Võ Văn Kiệt |
Hiệu trưởng lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Ngày 1/9/2008, Lê Hữu Rí được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Liêm. Đến ngày 14/11/2008, Trường THPT Vũng Liêm đổi tên thành Trường THPT Võ Văn Kiệt. Trường là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long.
Trường có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu riêng được UBND tỉnh Vĩnh Long giao nhiệm vụ tự chủ, chịu trách nhiệm về tài chính ổn định theo Quyết định số 33/QĐ- UBND ngày 12/10/2010.
Để thực hiện quyền tự chủ tài chính, trường mở 2 tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm để sử dụng giao dịch kinh phí thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp, nộp học phí, dịch vụ và các khoản khác.
Đến ngày 28/11/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận kiến nghị của Thanh tra tài chính- Sở Tài chính Vĩnh Long với nội dung:
Công tác quản lý và quyết toán tài chính Trường THPT Võ Văn Kiệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật: chi sai chế độ và nguyên tắc quản lý tài chính, chi không có chứng từ, giả mạo chữ ký, lập chứng từ quyết toán khống…
Qua điều tra đã kết luận, trong quá trình thực hiện quyền tự chủ về tài chính, với chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, Lê Hữu Rí được quyền tự chủ trong việc dự toán thu, chi, nhóm mục chi trong dự toán… cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của trường.
Tuy nhiên, Lê Hữu Rí lợi dụng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo cho thuộc cấp là Sang- kế toán- và Đào- thủ quỹ- lập chứng từ khống để quyết toán.
Ngoài ra, Lê Hữu Rí còn hướng dẫn cho Sang giả chữ ký của mình phòng khi đi vắng ở trường và Sang sẽ ký tên khống vào chủ tài khoản để quyết toán, duyệt phiếu chi, rút tiền…
Với “phù phép” trên, Lê Hữu Rí cùng với 3 thuộc cấp của mình là Sang, Đào và Quyên lập khống hàng loạt chứng từ quyết toán với Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm, chiếm đoạt trên 4,6 tỷ đồng để chia nhau tiêu xài.
“Kinh doanh ma” để mua hóa đơn
Để thực hiện chỉ đạo của Hiệu trưởng Lê Hữu Rí là lập chứng từ khống “rút ruột” ngân sách nhà nước, ngày 13/1/2011, Sang sử dụng giấy CMND photo tên Nguyễn Thị Đào làm thủ tục mang đến Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Vũng Liêm để đăng ký hộ kinh doanh cá thể bảng hiệu “Thiện Mỹ”, với ngành nghề kinh doanh là mua bán và sữa chữa thiết bị văn phòng (văn phòng phẩm, vi tính, giấy mực, tập viết…), nhưng mục đích của Sang là để mua hóa đơn.
Sau đó, Phòng Tài chính- Kế hoạch cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chi cục Thuế huyện Vũng Liêm cũng cấp mã số thuế và Sang mua 50 hóa đơn bán hàng ký hiệu 15AA/11P.
Để hoàn thành thủ tục kinh doanh, Sang đến TP Vĩnh Long thuê khắc con dấu hình vuông tên “Thiết bị văn phòng phẩm Thiện Mỹ, ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long” để làm thủ tục quyết toán chứng từ khống.
Thủ tục xong, Sang và Đào đến Chi cục Thuế Vũng Liêm mua bán hóa đơn. Sau đó, Sang tiếp tục đến TP Vĩnh Long khắc thêm con dấu vuông mang tên: “Nước tinh khiết Thanh Duy, Khóm 1, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long” mục đích làm chứng từ người bán hàng cho Trường THPT Võ Văn Kiệt để làm thủ tục đến Đội thuế liên xã số 2- Chi cục Thuế Vũng Liêm mua hóa đơn bán hàng quyết toán với Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm.
Ngoài thủ đoạn trên, Sang, Đào và Quyên còn lấy giấy CMND của nhiều người thân và giấy CMND nhân viên của trường (photo) để lập chứng từ khống người bán hàng cho trường để làm thủ tục mua hóa đơn của đội thuế.
Sau khi lập chứng từ người bán hàng, Sang mang đến Đội thuế liên xã số 2- Chi cục Thuế Vũng Liêm gặp Huỳnh Văn Khởi (Đội trưởng đội thuế liên xã số 2) xin mua hóa đơn để trường làm thủ tục quyết toán với Kho bạc Nhà nước huyện Vũng Liêm.
Dù biết Sang mua hóa đơn không đúng quy định nhưng do chỗ bạn bè quen biết, Khởi chấp nhận và từ đó Sang với Khởi trở thành “mắt xích” trong việc mua bán hóa đơn của Trường THPT Võ Văn Kiệt.
Sau này, Sang không trực tiếp đến gặp Khởi mua hóa đơn mà thông qua điện thoại cho Đào và Quyên đến đội thuế mua hóa đơn. Sang khai, trong việc “làm ăn” trên, ngoài đóng thuế theo số tiền trong hóa đơn bán hàng, còn “lót tay” cho Khởi và mời Khởi đi ăn uống nên dễ dàng mua hóa đơn khi cần.
Trong 5 năm (2011- 2015), Huỳnh Văn Khởi bán 135 bộ hóa đơn để làm thủ tục chứng từ cho Trường THPT Võ Văn Kiệt quyết toán, với tổng số gần 1,9 tỷ đồng (số tròn) và phải nộp thuế gần 29 triệu đồng. Trong số này, bị cáo Nguyễn Thị Đào lập thủ tục mua 105 hóa đơn bán hàng và số còn lại do bị cáo Lê Thị Đỗ Quyên. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Sang còn lập các hợp đồng mua bán như: mua đất trồng cây xanh, sửa chữa điện nước của trường, nước uống học sinh, phí nghiệp vụ, tiền thưởng cho cán bộ giáo viên, tiền khám sức khỏe ban đầu,… |
Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin