NHÂN NGÀY TOÀN DÂN PCCC 4/10 VÀ THÁNG AN TOÀN PCCC

Đề phòng "bà hỏa" mùa mưa bão

Cập nhật, 05:40, Thứ Tư, 04/10/2017 (GMT+7)

Cả nước đang bước vào mùa mưa bão với những diễn biến khó lường. Mùa mưa bão kéo dài, độ ẩm cao,… nhưng lại là thời điểm rất dễ xảy ra cháy nổ.

Vì sao lại xảy ra trường hợp “ngược đời” này?

Diễn tập PCCC với các tình huống sát thực tế sẽ giúp lực lượng chữa cháy phản ứng hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Diễn tập PCCC với các tình huống sát thực tế sẽ giúp lực lượng chữa cháy phản ứng hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

Chập điện- nguy cơ cháy nổ cao

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), để gây cháy phải có 3 yếu tố chính gồm: mồi lửa, chất gây cháy và ôxy.

Vào mùa khô, những nơi như tường nhà hay các vật dụng thường xuyên được chiếu sáng bởi ánh sáng mặt trời chỉ cần mồi lửa là có thể xảy ra cháy nổ.

Còn mùa mưa bão, nguyên nhân gây cháy nổ chủ yếu là do chập điện. Hình ảnh dễ bắt gặp là các trụ điện, cây xanh phải “oằn mình” cõng đủ loại dây từ dây điện, cáp truyền hình, Internet, điện thoại,…

Điều này không chỉ gây mất mỹ quan mà mưa bão, gió giật hoặc cây cối gãy đổ sẽ dẫn đến chập điện gây cháy.

Qua điều tra cũng cho thấy, vào mùa mưa bão, các vụ cháy nổ do chập điện thường xảy ra vào ban đêm. Nguyên nhân do mưa nhiều làm hơi ẩm bốc lên bám vào dây điện, thiết bị điện gây ra sự cố.

Nếu không may cháy nổ xảy ra vào thời điểm này thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Đối với các cơ sở kinh doanh, theo Trung tá Đỗ Thành Khương- Đội phó Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ- Công an tỉnh), các kho vật tư nông nghiệp, cửa hàng xăng dầu ven sông nếu không được đầu tư hệ thống PCCC bài bản thì rất dễ mất an toàn vào mùa mưa bão.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), từ giữa tháng 11/2016 đến giữa tháng 9 năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy, tuy thiệt hại về tài sản đã giảm rất lớn (trên 4,5 tỷ đồng) nhưng đã làm chết 1 người. Nguyên nhân hầu hết là do chập điện, còn lại là do bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa và rò rỉ khí gas.

Nguy hiểm hơn hết là các cơ sở kinh doanh xăng dầu ven sông, nếu không gia cố bồn chứa, khi mưa bão ập đến gây xê dịch, va đập bồn chứa dẫn đến cháy nổ là rất lớn và nguy hiểm vô cùng. 

Tuy nhiên, theo Trung tá Đỗ Thành Khương, trên thực tế thì nguy cơ cháy nổ ở các kho chứa xăng dầu lại ít xảy ra hơn các lĩnh vực kinh doanh khác.

Vì qua kiểm tra thì chủ các cơ sở này đều ý thức được mức độ nguy hiểm nên đã đầu tư trang thiết bị chữa cháy rất tốt.

Cũng theo Trung tá Đỗ Thành Khương, qua kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh hàng may mặc theo dạng lao động thời vụ ở nông thôn chưa xem trọng công tác PCCC.

Hầu hết những cơ sở này đều viện lý do hợp đồng thuê đất, nhà xưởng trong thời gian ngắn để né tránh việc đầu tư hệ thống PCCC.

“Biện pháp xử lý vi phạm an toàn PCCC chủ yếu là phạt hành chính, trong khi mức phạt còn thấp (khoảng 50 triệu đồng) nên chưa đủ sức răn đe”- Trung tá Đỗ Thành Khương cho biết.

Đề phòng “bà hỏa”

Trung tá Nguyễn Minh Trí- Phó Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), cho biết, hàng năm đơn vị đều lên phương án phòng cháy nổ để phổ biến đến các đơn vị nghiệp vụ sẵn sàng đối phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Cao điểm phòng cháy nổ mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau, còn cao điểm phòng cháy nổ mùa mưa bão thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11.

Theo khuyến cáo của Trung tá Nguyễn Minh Trí, để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình trước nguy cơ cháy nổ, trước hết người dân phải ý thức trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là việc câu mắc điện,

sử dụng các thiết bị điện, lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp; đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng ngắt.

Việc sử dụng bình gas cho nấu nướng trong nhà cần chú ý đóng ngắt sau khi sử dụng. Nếu sử dụng bếp dầu, đèn dầu phải đảm bảo an toàn đề phòng dầu chảy loang gây cháy hoặc sử dụng bếp củi, bếp than đề phòng gió thổi tàn lửa bay đến vật liệu dễ cháy. Những chỗ thờ cúng cũng hết sức chú ý nguồn điện, nguồn nhiệt,…

Đối với các khu chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh, phải đảm bảo điều kiện về lối thoát hiểm, hệ thống báo cháy phải hoạt động tốt và hệ thống PCCC phải đáp ứng cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, lực lượng chữa cháy tại chỗ phải được trang bị đầy đủ kiến thức về PCCC và xử lý hiệu quả khi có cháy nổ xảy ra.

Hưởng ứng ngày Toàn dân PCCC và tháng an toàn PCCC, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC đến mọi tầng lớp nhân dân, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội thảo chuyên đề, tuyên truyền lưu động,… 

Tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng và có biện pháp an toàn PCCC khi sử dụng điện, gas, xăng dầu. Thường xuyên củng cố lực lượng PCCC tại chỗ và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng này.

Bên cạnh, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, tập trung đông người và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH