Dự trữ nước ngọt để ứng phó với hạn mặn

Cập nhật, 08:33, Chủ Nhật, 01/09/2019 (GMT+7)

Theo dự báo mùa khô 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ đến sớm và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Vì vậy chính quyền địa phương các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, vận động người dân ngay từ thời điểm này (đang mùa mưa) hãy trữ nước ngọt để ứng phó với hạn mặn sắp tới.

Người dân Bến Tre chuẩn bị các thùng chứa nước ngọt để ứng phó với hạn mặn . (Ảnh: Báo Đồng Khởi)
Người dân Bến Tre chuẩn bị các thùng chứa nước ngọt để ứng phó với hạn mặn . (Ảnh: Báo Đồng Khởi)

Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đặng Hoàng Lam cho biết, dự báo xâm nhập mặn trên các sông chính của tỉnh sẽ xuất hiện sớm và mùa khô 2019-2020 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và khó lường, do phụ thuộc nhiều vào việc điều tiết nước của các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong.

Theo ông Đặng Hoàng Lam, từ cuối tháng 11-2019, độ mặn 4 ‰ xâm nhập vào đất liền cách các cửa sông chính từ 28 - 30km; độ mặn xâm nhập đến các địa bàn xã Vang Quới Tây (Bình Đại), xã Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) và Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam).

Theo dự báo, độ mặn 4 ‰ tiếp tục lấn sâu vào đất liền, tăng dần trong các ngày từ cuối tháng 12/2019 kéo dài đến tháng 5/2020. Khoảng tháng 3/2020, độ mặn 4 ‰ xâm nhập sâu nhất vào đất liền khoảng 54 - 56km, thuộc địa phận huyện Châu Thành và  huyện Mỏ Cày Bắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; chuẩn bị phòng tránh, ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn đến đời sống, sản xuất.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu chính quyền địa phương, các chi bộ xóm ấp vận động cộng đồng trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ thời điểm này (đang mùa mưa) để ứng phó với hạn mặn sắp tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có giải pháp tích trữ nước, vận hành hợp lý các nhà máy nước, nhằm đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi; rà soát các cống, đê bao để kịp thời khắc phục, sửa chữa và trao đổi với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để thống nhất phương án vận hành các cống cho phù hợp, đảm bảo tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đề nghị Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải tăng cường bản tin dự báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu liên quan về tình hình hạn mặn cho cơ quan báo chí, đoàn thể.

Từ đó, mỗi đơn vị phải có trách nhiệm tập trung tuyên truyền, vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt trong mùa hạn, mặn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần hướng dẫn các huyện biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt; khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch, kiên quyết không sản xuất lúa vụ 3.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập lưu ý đối với các đơn vị cấp nước cần sẵn sàng phương án vận chuyển nước để cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, nhà hàng, khách sạn và các khu công nghiệp... trong giai đoạn hạn mặn biến đổi gay gắt.

Được biết, để khắc phục xâm ngập mặn, đầu tháng 8/2019, tỉnh Bến Tre khánh thành đưa vào sử dụng hồ chứa nước ngọt Ba Tri tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri với công suất chứa hơn 800.000 m3 nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Tri.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri có tổng vốn đầu tư khoảng 86 tỉ đồng, được xây dựng trên kênh Lấp (huyện Ba Tri).

Công trình này được xây dựng trên tuyến Kênh Lấp với chiều dài 7 km, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tình hình biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn những tháng mùa khô; đồng thời cấp đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của huyện Ba Tri.

Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam