Sông Hậu có còn hào phóng thủy sản?

Cập nhật, 05:55, Chủ Nhật, 05/05/2019 (GMT+7)

Xưa nay, sông Hậu (một nhánh của sông Cửu Long) luôn hào phóng đem lại nguồn lợi thủy sản thiên nhiên dồi dào cho ngư dân. Nhiều ngư dân gắn bó với nghề từ lúc nhỏ đến nay 70- 80 tuổi cho biết: Hiện nay, lượng thủy sản đang cạn kiệt dần do đủ kiểu đánh bắt cá tận diệt. Nguồn thủy sản không còn dồi dào nên nhiều ngư dân phải ngậm ngùi “treo lưới” bỏ nghề truyền thống.

Các kiểu đánh bắt “tận diệt” và môi trường không đảm bảo khiến nhiều loài cá biến mất. Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)
Các kiểu đánh bắt “tận diệt” và môi trường không đảm bảo khiến nhiều loài cá biến mất. Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)

Đoạn sông Hậu từ cù lao Dung (Tân Dinh- Cầu Kè) đến vàm Cồn Công (Trà Ôn) khoảng 30km, chia cắt bởi các cù lao Tân Quy, cù lao Mây (Lục Sĩ Thành, Phú Thành) bên kia bờ thuộc Cái Côn (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách- Sóc Trăng), còn bên này bờ thuộc huyện Cầu Kè (Trà Vinh), huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Bên phía Cái Côn, dòng sông lúc nào nước cũng cuồn cuộn chảy xiết.

Đến mùa nước nổi, giông bão, mỗi khi đi qua khúc sông này, thuyền ghe bao phen bị lật chìm nên ai nấy cũng cảnh giác. Sóng to vỗ vào bờ làm cho sông rộng ra.

Còn phía bên bờ Cầu Kè, Trà Ôn thì sóng nước nhấp nhô nhẹ nhàng, phù sa bồi lấp, đáy cạn dần nổi lên thành cồn cát, lâu dần bà con đắp bồi lập vườn nên sông thu hẹp lại.

Theo sử sách, cách nay mấy trăm năm, binh đoàn của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh theo dòng sông Hậu tiến xuống phương Nam khai phá vùng đất mới, khuyến hòa dân cư sống hòa thuận với người bản địa.

Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong trận thủy chiến, nhận chìm hàng trăm chiến thuyền của quân Xiêm La.

Rồi đoàn chiến thuyền của Chưởng quản Thủy quân doanh Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn rầm rập theo dòng sông Hậu cùng đại quân của Thoại Ngọc Hầu qua tận xứ chùa Tháp giúp vua Cao Miên trị nước an dân.

Đoạn sông Hậu từ cù lao Dung đến vàm Cồn Công có thời vang bóng của nhiều cá to như: cá đao, cá đuối, cá ngát, cá hô, cá nhám (cá mập nhỏ),… trọng lượng vài chục đến trăm ký. Đặc biệt là trên đoạn sông này còn có một loài cá nổi tiếng là con cá cháy.

Gần Tết Nguyên đán, khi gió chướng về lồng lộng, sương mù giăng giăng trắng xóa mặt sông thì từ cửa biển Định An, cá về “hội tụ” tại đây, sinh sản và chỉ có trên đoạn sông này (không ở đâu có loài cá này). Bà con nói “Mùa cá cháy lại về”.

Trên bến dưới sông tấp nập ngư thuyền những con cá cháy tươi rói, vẩy ánh bạc lấp lánh dưới nắng xuân ra chợ Trà Ôn cung cấp cho bạn hàng.

Cá cháy là món ăn “độc nhất vô nhị”, là đặc sản ở vùng Trà Ôn thuở đó. Cá cháy đã đi vào văn học Việt Nam: “Trà Ôn, cá cháy lạ kỳ/ Kho rim nấu mẳn món gì cũng ngon” hay “Đi đâu cũng nhớ quê nhà/ Nhớ con cá cháy, món quà quê hương”. 

Đến năm 1963, con cá cháy “biệt tăm” mà chưa ai biết lý do vì sao. Ngay cả 20 năm trở lại đây, cá lẹp vàng nước ngọt, dù xương nhiều nhưng thịt rất ngon cũng không còn.

Trên sông Hậu, còn nhiều chuyện kể thú vị. Tháng 10 âm lịch vào mùa nước nổi, khi dòng sông cuồn cuộn đục ngầu phù sa thì từng đàn cá nược (còn gọi cá heo) từ cửa biển vào. Ngư dân gọi là “ông Nược”, vì thân mình đen bóng, đầu… trụi lủi.

Đứng trên bờ bà con vỗ tay la hét, reo hò cổ vũ khích lệ “Nược đua- Nược đua”. Cả đàn băng băng cưỡi sóng bơi ào ào, phun nước phì phì, phóng mình biểu diễn, vui nhộn.

Chuyện lão ngư Hai Giao cào lưới dưới sông được viên đá to mà bà con gọi là “ông Tà” đem lên thờ trước cửa nhà, ban đêm trai trẻ cắc cớ khiêng đem giấu, sáng thấy mất cứ nói ông Tà lăn xuống sông.

Chuyện ngư dân cào được khẩu súng đồng thau phun lửa không bán mà tặng cho Di tích lăng Ông. Chuyện ông Ba Nhơn ra cửa biển giăng lưới dính dày đặc cua biển, gỡ không xiết phải đem về xóm cho bà con mặc sức cắt lưới gỡ lấy cua ăn và ông cũng đành bỏ nghề.

Những lão ngư như: Hai Cự, Mười Nhan, Ba Nhơn, Hai Giao (đã mất), lão ngư Tư Tỉnh nay đã ngoài 90 tuổi kể lại:

Trên đoạn sông Hậu này, nguồn thủy sản dồi dào đem lại giá trị về mặt kinh tế cho gia đình bao thế hệ, “mùa nào cá nấy”, thả lưới một buổi, dính vài chục đến vài trăm ký cá nhỏ, cá lớn là bình thường, chọn một ít cho gia đình ăn, còn lại bán ở chợ Trà Ôn.

Thỉnh thoảng còn dính cả cá đuối 100- 200kg, xẻ thịt bán và đem lên tận Cần Thơ cung cấp cho các quán ăn đặc sản, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

Anh Hồng Phi (con lão ngư Mười Nhan) cho biết, lúc đó kéo lưới dính các loài cá heo (như cá lòng tong, thân có sọc ngang vàng, xanh, đỏ), cá lìm kìm (nhỏ như nửa cây đũa), cá khoai (thân trong vắt), cá ngựa nhỏ, cá lóc mít (mình tròn quay, bụng vàng), cá nhám, cua mén (nhỏ bằng nửa ngón cái) đều thả lại xuống sông. Bây giờ các loài cá này nếu có cũng trở thành món ăn đặc sản ở các quán.

Đối với các lão ngư có nghề mấy chục năm, trên đoạn sông Hậu này có nhiều kỷ niệm. Các lão ngư sau những buổi thả lưới, cùng quây quần lai rai rượu nếp.

Mồi là tôm, tép, cá tươi rói nướng hay nhúng giấm nước dừa. Ký ức quay về kể lại các câu chuyện đời, chuyện nghề. Nay thì kẻ còn, người mất được bà con đặt ảnh, ghi tên trong bệ thờ “Tiền hiền” tại miếu Thủy Thần để con cháu biết. Các lão ngư kể xóm Lưới (Trà Ôn) hình thành đã trên 150 năm.

Khi đến đây làm nghề “hạ bạc”, bà con lập nên miếu Thủy Nam Cung ở bờ sông Hậu (nay thuộc Khu 4, Khu 10, thị trấn Trà Ôn) tôn thờ Thủy Thần. Để bảo tồn làng nghề, bà con góp tiền công đức trùng tu đến nay miếu khang trang, dáng dấp cổ kính.

Hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch, bà con tổ chức lễ cúng Cầu Ngư long trọng, nhằm cầu Thủy Thần phò trợ ra khơi bình an, đánh bắt thủy sản dồi dào.

Sống trên sông, mưu sinh bằng nghề “hạ bạc”, hầu hết ngư dân đều biết tính nết của từng khúc sông, nơi sâu nơi cạn, nơi dưới đáy có hang cá ngát cư trú, nơi cá sinh sôi luân phiên theo con nước. Trước và sau Tết Nguyên đán là mùa cá bông lau, cá cháy…

Tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) là cá ba sa, cá lăng. Tháng 10, 11 là cá linh trên thượng nguồn xuống. Còn nhiều loài cá có quanh năm: ngát, cóc, hú, chẽm, phèn, lẹp, mè vinh, sửu, dảnh, chạch lấu, tôm tép…

Anh Hai Ngon gắn với nghề lưới trên 30 năm cho biết: Hiện nay, sông Hậu cũng còn thủy sản, nhưng chỉ còn cá nhỏ như: cơm, phèn chỉ, sửu, chốt, lưỡi trâu, mè vinh, lăng hơ, tôm tép… Thoảng khi mới câu, lưới được cá bông lau, cá sửu, cá ngát, cá cóc vài ký.

Trước đây tiếp xúc với các lão ngư, các ông bùi ngùi luyến tiếc về thuở xưa: Mùa bắt cá cháy rộn ràng cả xóm hú nhau, từng đoàn ghe cụ bị ngư cụ, thực phẩm lên đường cho kịp con nước.

Rồi ra khơi đánh bắt cá đường chỉ lấy bong bóng, còn thân cứ bỏ lại dưới nước chứ đem về thì ghe thuyền nặng trĩu. Đôi khi còn bắt được cá đuối 100- 200kg. Cũng có lần bắt được cá đao trên 2 tấn phải dùng 2 ghe bè về, bà con ở xóm và trên chợ Trà Ôn rần rần xuống coi.

Lưỡi đao dài mấy thước phải cắt ra phơi khô đem vào miếu thờ… Nay mọi chuyện chỉ còn là hoài niệm. Các ông còn cho biết: Sáng sớm thả lưới vài lần đến gần trưa là thuyền đầy nhóc cá cơm, cá phèn, cá lưỡi trâu, cá lẹp… Mỗi ngày vài trăm ký là thường. Cứ thả lưới là có cá. Còn nay tụi nhỏ lưới cả buổi đỏ con mắt mới kiếm được vài ký.

Nay, sông Hậu đã trở nên hiền hòa, nhưng nguồn thủy sản thiên nhiên đang cạn kiệt do có người “lén” đánh bắt cá bằng xung điện, cào điện và cả cách đặt lồng dớn dài sọc (12 ngăn, bà con gọi là 12 cửa ngục âm ty) cá “tí ti” vào khó thoát ra được. Còn cá bông lau, cá ngát, ba sa… hiếm hoi, lâu lâu dính 1- 2 con lớn là may mắn.

Người ta ví sông Hậu như tấm lòng của người mẹ hào phóng cung cấp thủy sản thiên nhiên và dòng sông vẫn miệt mài chảy hòa trong hương lúa đầu mùa.

Dòng sông vẫn còn đi vào lời ca, tiếng hát êm đềm: “Phù sa cuộn chảy trong dòng nước/ Khói sóng hòa hơi thở xóm làng”(thơ Kiên Giang). Dòng sông len lỏi vào tâm hồn người dân sống trên đôi bờ với bao cung bậc buồn vui cảm xúc. Người dân ước mong nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào trở lại. Mong lắm thay!

Mấy năm nay, để tạo nguồn thủy sản, vài cơ sở Phật giáo phối hợp với ngành chức năng chọn mua cá giống phù hợp với môi trường tại đây, tổ chức thả cá trên sông, mỗi năm 5- 6 đợt, mỗi đợt 1- 2 tấn.

TỪ HOÀNG ĐƯƠNG