Hàng lạ đón xuân

Cập nhật, 21:12, Thứ Bảy, 19/01/2019 (GMT+7)
Kỹ sư Nguyễn Thị Ướm.
Kỹ sư Nguyễn Thị Ướm.

Rất bận bịu chăm sóc 1.500 “đứa con cưng” chuẩn bị giao cho thương lái tại TP Hồ Chí Minh dịp Tết Nguyên đán nhưng nữ kỹ sư Nguyễn Thị Ướm (40 tuổi) hiện công tác tại Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành (Hậu Giang) cũng tranh thủ thời gian kể về quá trình thất bại lẫn thành công để có đu đủ khắc chữ thư pháp trên vỏ trái đang được nhiều người biết đến.

Chị Ướm kể: “Qua thông tin trên báo, đài; bản thân lại công tác ở ngành nông nghiệp, tôi nghĩ rằng nhiều người đã thực hiện thành công việc khắc chữ theo lối viết thư pháp trên trái dừa, bưởi… vậy thì sao mình không thể viết trên trái đu đủ là loại trái có rất nhiều tại địa phương. Vậy là bắt tay vào thử nghiệm”.

Tuy nhiên sự may mắn và thành công đã không đến với chị ngay từ năm đầu thực hiện (năm 2015). Tất cả trái đã hư hỏng về hình dạng, chữ viết nhòa nhạt, không bảo quản được lâu.

Chị Ướm kể thêm về nguyên nhân thất bại: “Ban đầu, tôi mua khuôn ép chữ với mục đích có được những chữ đẹp nằm chìm trong phần vỏ đu đủ nhưng không thành công. Sau khi phân tích, tôi nghĩ rằng các loại vỏ trái cây khác thường dầy, nhiều xớ, không có nhiều nhựa trong vỏ nên thực hiện được. Riêng đu đủ xanh thì vỏ mỏng, nhiều nhựa, không có độ xốp nên phải chuyển sang việc viết chữ nổi trên vỏ thì mới thành công”.

Khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình này là đất trồng, vì gia đình chị Ướm không đất sản xuất. Vì vậy từ năm 2015 đến nay, chị đã phải tiến hành phương án: mua trái trên cây của các chủ vườn khi trái bắt đầu có thể “ép khuôn” (150- 200 g/trái).

Khó khăn tiếp theo là mỗi cây đu đủ chỉ chọn được 1- 2 trái to, khỏe, màu sắc đẹp để “ép khuôn” nên chị Ướm phải vất vả chăm sóc chúng từ nhiều mảnh vườn ở nhiều nơi khác nhau. Nếu như các năm trước chị thuê cây tại các xã Phú Hữu, thị trấn Ngã Sáu,… thì năm 2018 chị thuê cây tại xã Phú An và Đông Phước A để thực hiện mô hình này.

Một khó khăn khác đã và đang đặt ra là toàn bộ khuôn sau mỗi năm đều không sử dụng lại được nên phát sinh thêm chi phí. Sau từ 90- 95 ngày “ép trái”, chị sẽ thu hoạch từ khoảng 25- 29 tết để giao cho thương lái. Lúc này sản phẩm có trọng lượng từ 0,6- 1,2kg.

Từ năm 2015 đến nay, mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị Ướm tung ra thị trường 1.500 trái với giá bán 100.000- 150.000 đ/trái. Năm nay, chị Ướm đã rất thành công khi vừa cho ra sản phẩm đẹp, bảo quản đến 15 ngày, lại không bị thất thoát vì thời tiết bất thường. Sau khi trừ khoảng 30% chi phí đầu tư và giá bán 100.000 đ/trái, chị sẽ có lời xấp xỉ 100 triệu đồng.

Chị Ướm nói với vẻ phấn khích: “Đây là năm đầu tiên tôi đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Hiện đã có rất nhiều nông dân đến tìm hiểu cách thực hiện sản phẩm độc, lạ này và tôi đã hướng dẫn rất tận tình. Mình làm được thì bà con nông dân làm được thôi. Quan trọng là sự cần cù, nhẫn nại và luôn biết đổi mới cách nghĩ, cách làm”.

Ông Võ Văn Dễ- nông dân ngụ huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang)- cho biết: “Tui trồng đu đủ xanh, vàng đã mấy mươi năm rồi nhưng đâu thấy ai khắc chữ thành công trên chúng. Hôm nay tận mắt nhìn thấy và nghe cô Ướm hướng dẫn rất nhiệt tình. Tôi sẽ thử nghiệm trên 5 công đu đủ của mình trong thời gian tới”.

Kỹ sư Nguyễn Thị Ướm cho biết dự định của mình: “Năm nay, tôi đã thử nghiệm rất thành công việc khắc chữ trên dưa hoàng kim. Đây là mô hình tương đối khó khăn nhưng tôi đã vượt qua. Hy vọng tết năm sau sẽ trình làng sản phẩm mới lạ của mình cho bà con thưởng thức”. Chị cười rất tự tin về dự án của mình.

Bài, ảnh: TÔ PHỤC HƯNG