Khoai lang- tiềm năng cho chế biến

06:03, 29/03/2016

"Tiếng lành" khoai lang Bình Tân đã thật sự bay xa. Vì vậy, thay cho xuất khẩu tiểu ngạch sản phẩm thô thì việc nghiên cứu phương pháp bảo quản, tồn trữ và chế biến khoai lang đang là nhu cầu bức thiết của vùng khoai hôm nay.

“Tiếng lành” khoai lang Bình Tân đã thật sự bay xa. Vì vậy, thay cho xuất khẩu tiểu ngạch sản phẩm thô thì việc nghiên cứu phương pháp bảo quản, tồn trữ và chế biến khoai lang đang là nhu cầu bức thiết của vùng khoai hôm nay.

Khoai lang Bình Tân đã xây dựng được thương hiệu.
Khoai lang Bình Tân đã xây dựng được thương hiệu.

Khẳng định thương hiệu

Khoai lang được trồng nhiều ở huyện Bình Tân với trên 95% diện tích, ước sản lượng hàng năm đạt từ 300- 400 ngàn tấn. Các giống phổ biến là khoai lang trắng giấy, trắng sữa, bí đường, bí nghệ và tím Nhật.

Khoai lang trồng quanh năm nhưng tập trung nhiều trong mùa nắng từ tháng 1- 5 hàng năm nhờ thuận lợi cho sản xuất, năng suất đạt cao và có giá bán khá cao. Đặc biệt, khoai lang trồng ở vùng này thường rất ngon, có vị ngọt, dẻo và thơm, được thị trường ưa chuộng. Tính đến tháng 3/2016 đã có trên 5.000ha khoai được xuống giống.

Hiện nay, khoai lang Bình Tân đã có nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân”, có logo là “BINHTAN SWEET POTATOES- Khoai lang Bình Tân- Vĩnh Long- Việt Nam”. Trong những năm qua, bà con nông dân Bình Tân đã có bước tiến dài trong việc chuyển giao và áp dụng những kỹ thuật canh tác mới, an toàn.

Hiện đã có 17ha khoai lang được chứng nhận sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Khoai lang tỉnh Vĩnh Long phục vụ cho xuất khẩu chiếm 86% chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, một số ít xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,… tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 14%.

Theo Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện đầu ra của khoai lang rất dễ bị thao túng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể như giá cả do thương lái quy định và biến động hàng ngày. Phương pháp thu mua giữa thương lái và nông dân đều không thông qua hợp đồng.

Sản lượng, quy cách thu mua luôn có sự thay đổi làm cho nông dân luôn gặp khó khăn trong việc cân đối diện tích sản xuất, chọn thời điểm thu hoạch khoai và không yên tâm đầu tư sản xuất. Do đó, việc nghiên cứu phương pháp bảo quản, tồn trữ và chế biến cho vùng sản xuất khoai lang lớn nhất của tỉnh là nhu cầu bức thiết hiện nay.

 

 

Cánh đồng mẫu lớn khoai lang hơn 30ha đã được đầu tư tại xã Thành Đông (Bình Tân). 

 

Nơi đây đã ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến như mô hình luân canh 2 khoai- 1 lúa, thử nghiệm áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng chế phẩm vi sinh để quản lý sâu đục củ, sùng đục củ khoai lang, sản xuất khoai lang theo quy trình GlobalGAP,… sản phẩm từ mô hình mang lại luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5- 2 lần do giảm lượng phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và có nhiều sản phẩm khoai đạt tiêu chuẩn loại I.

 

Đây là mô hình được xây dựng trên cơ sở thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu rau, củ, quả tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012- 2015.

Kỳ vọng sản phẩm chế biến từ khoai lang

Hiện nay việc khai thác thương hiệu “Khoai lang Bình Tân” đã được doanh nghiệp Nhật Thành và Hợp tác xã Khoai lang Tân Thành thực hiện. Bình Tân đã thành lập 2 hợp tác xã khoai lang.

Trong đó, Hợp tác xã Khoai lang Thành Đông có 16 xã viên/15ha, mỗi vụ cung ứng cho thị trường hơn 300 tấn khoai lang đạt tiêu chuẩn an toàn. Hợp tác xã được Viện Nghiên cứu rau quả đầu tư một kho lạnh với sức chứa hơn 2 tấn/ngày.

Hợp tác xã Khoai lang Tân Thành có 9 xã viên/7ha. Mỗi ngày cung ứng cho thị trường 35 tấn khoai, hiện hợp tác xã cũng đã xây 1 kho chứa khoai có thể chứa 200- 300 tấn khoai mỗi năm.

Riêng doanh nghiệp Nhật Thành là công ty kinh doanh khoai lang tư nhân đang cung ứng sản phẩm khoai lang tươi cũng như đang chào bán các dạng sản phẩm khoai lang khác như bột khoai lang, rượu khoai lang, tinh bột khoai lang, bánh khoai lang,… Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Tân và TX Bình Minh còn có hơn 40 điểm thu gom khoai lang để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mới đây, Công ty CP Kushima Aoi Farm (Nhật Bản) đã đến Vĩnh Long tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án sản xuất, chế biến và kinh doanh khoai lang.

Ông Masashi Yamashita- Tổng Giám đốc công ty cho biết, hiện công ty có dây chuyền sản xuất từ trồng trọt, chế biến và bán 5 loại khoai lang ngọt ở Nhật Bản với khoảng 150 cơ sở bán hàng trong nước. Hiện doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoai lang qua các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia.

Từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp nằm trong dự án hỗ trợ triển khai các dự án tiềm năng xuất khẩu của JETRO và được Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghiệp hóa lần thứ 6 vào năm 2014.

Ông Ikeda Makoto- Giám đốc Điều hành công ty cho rằng: Chúng tôi nhận thấy ngành nông nghiệp và môi trường đầu tư ở Vĩnh Long khá tốt nên chúng tôi kỳ vọng sẽ sản xuất khoai lang tại Vĩnh Long. Việc khảo sát lần này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông nghiệp cho tỉnh trong tương lai.

Qua thu thập thông tin và khảo sát tình hình sản xuất khoai lang, tham quan doanh nghiệp kinh doanh khoai lang tại Bình Tân, doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu thuê 10ha đất nông nghiệp để đầu tư thử nghiệm dự án sản xuất, chế biến và kinh doanh khoai lang.

 

  • Theo thống kê, diện tích khoai lang từ năm 2005- 2009 tăng bình quân 2,35%/năm và tăng cao từ năm 2010 (tăng 14%/năm), năm 2011 tăng 44,7%/năm, năm 2012 tăng gần 38%/năm.

  •  

    Do giá khoai lang từ giữa năm 2012 trở đi bị sụt giảm khá sâu nên năm 2013 diện tích trồng khoai lang giảm còn 10.083ha. Đến năm 2014, diện tích tăng trở lại 11.936ha nhờ cuối năm 2013 giá khoai có chiều hướng tăng. Năm 2015, diện tích khoai lang giảm còn 11.269ha, do người dân chuyển sang luân canh khoai với cây trồng khác.

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh