Thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp

Cập nhật, 08:32, Thứ Ba, 29/05/2018 (GMT+7)

Khoa học công nghệ chưa thực sự được coi là động lực then chốt trong phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL. Thời gian tới, ĐBSCL cần phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp- Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ (KH-CN) Trần Văn Tùng nhấn mạnh nội dung trên tại diễn đàn Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 diễn ra tại Cần Thơ mới đây.

Công nghệ hiện đại ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp được giới thiệu tại Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018. Trong ảnh: Máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật.
Công nghệ hiện đại ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp được giới thiệu tại Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018. Trong ảnh: Máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, với 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây.

Trong xuất khẩu, vùng đóng góp 95% sản lượng gạo, 60% sản lượng cá.

Tuy nhiên, đây cũng là vùng dễ tổn thương và đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhanh hơn dự báo, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân.

Do đó, việc phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương và các địa phương trong vùng.

Đặc biệt, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa đa dạng, quy mô lớn, hiện đại, gắn với nhu cầu thị trường.

Từ đó, định hướng đưa ĐBSCL không chỉ là nơi tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học mà phải trở thành nơi phát minh, sáng tạo ra nhiều mô hình mới, đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà nông cải tiến kỹ thuật giúp giảm lượng giống, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Nhà nông cải tiến kỹ thuật giúp giảm lượng giống, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, thời gian qua tỉnh đã xây dựng và phát triển một số mô hình sản xuất nổi bật.

Trên lúa vụ Đông Xuân 2017- 2018, tỉnh đã xây dựng mô hình công nghệ sinh thái với 142ha, mô hình lúa hữu cơ diện tích 43,75ha thực hiện tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình) và xã Tân Mỹ (Trà Ôn).

Trên cây rau màu, mô hình sản xuất cây khoai lang theo hướng nâng cao chuỗi giá trị (mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP 50ha, nhân giống khoai lang từ củ 5ha);

mô hình hoa kiểng và rau màu chất lượng cao cho nông nghiệp đô thị TP Vĩnh Long và TX Bình Minh (28 mô hình hoa lan với 33.600 cây giống, 10 mô hình rau màu thủy canh).

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất rau màu quy mô lớn theo hướng GAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm (gồm 60ha, trong đó có 15ha đạt tiêu chuẩn VietGAP là đậu nành, đậu bắp).

Đối với cây ăn trái, toàn tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản (bưởi Năm Roi và bưởi da xanh 20ha; vùng nguyên liệu sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, nhãn và cam sành 40ha);

phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cam sành theo chuỗi giá trị với hiệu quả kinh tế cao (3 mô hình, 3ha); xây dựng vùng nguyên liệu bưởi theo chuỗi giá trị (50ha bưởi da xanh và 10ha bưởi Năm Roi)…

Để gia tăng việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương hỗ trợ trong việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác (mô hình hợp tác xã kiểu mới), bởi đây là khâu quan trọng gắn kết sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp theo hướng dễ tiếp cận, sát với thực tế sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL, thì mới thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Văn Tùng, thời gian vừa qua, nhờ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại các địa phương vùng ĐBSCL, nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao và các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của vùng.

Từ đó, từng bước phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế, cạnh tranh cao trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế lớn góp phần phát triển bền vững nền kinh tế- xã hội của địa phương.

Thông qua chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, năng suất chất lượng,... đã giúp các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh;

thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu về ứng dụng KH-CN nhưng KH-CN chưa thực sự được coi là động lực then chốt đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL.

Thời gian tới, cần phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Trong đó, điểm nhấn là các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh, giải pháp công nghệ tự động như máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái, hệ thống giám sát chất lượng cây trồng, vật nuôi qua điện thoại thông minh, các công nghệ tưới chính xác,…

Đó là xu hướng và giải pháp bắt buộc nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiến tới thay đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Thông qua diễn đàn lần này, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL có cơ hội kết nối cung- cầu công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Qua đó, nâng cao nhận thức về vai trò quyết định của ứng dụng KH-CN vào sản xuất, nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Diễn đàn Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện trình diễn kết nối cung cầu công nghệ quốc tế năm 2018 do Bộ KH-CN chủ trì nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ tại ĐBSCL.

Diễn đàn có hơn 40 gian hàng của 35 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các lĩnh vực thực phẩm, chế phẩm phục vụ nông nghiệp- thủy sản, phân bón, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; các giải pháp công nghệ mới, công nghệ thông minh ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

Bên cạnh, diễn đàn còn tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm xúc tiến đầu tư- thương mại, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế.

 Bài, ảnh: THÀNH LONG