Bình Tân

Góc nhìn sản xuất, thu nhập trong cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật, 04:44, Thứ Tư, 15/03/2017 (GMT+7)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại nông nghiệp là câu chuyện dài ở hầu hết địa phương hiện nay. Câu chuyện về thu nhập cao hơn và các mô hình, dự án sản xuất tạo giá trị ổn định và bền vững cho người nông dân là những chuyện luôn cần phải làm.

Khoai lang được coi là cây trồng chủ lực trong kinh tế nông nghiệp tại huyện Bình Tân.
Khoai lang được coi là cây trồng chủ lực trong kinh tế nông nghiệp tại huyện Bình Tân.

Khi kinh tế nông nghiệp là chủ đạo

Theo ông Nguyễn Quốc Nam- Chủ tịch UBND xã Tân Bình (Bình Tân), kinh tế chủ đạo của xã là làm nông nghiệp, mà chủ yếu là sản xuất rau màu.

Trong hơn 695ha đất nông nghiệp toàn xã, diện tích lúa nhiều năm trước chiếm khoảng 315ha, rau màu các loại hơn 5ha.

Nhưng đến nay trên địa bàn hầu hết 100% diện tích lúa đã chuyển sang trồng rau màu. Ông Nam nói khoảng năm 2012 trở về sau này, trên địa bàn đã không còn canh tác lúa nữa.

Cũng theo ông Nam, cây màu chủ đạo ở xã là hành lá, bên cạnh đó là các loại rau màu khác. Nếu trúng mùa, bà con thu hoạch khoảng 40 tạ đến hơn trên mỗi công đất trồng hành, thất cũng từ 20 tạ trở lên.

“Tuy nhiên, hiện giá hành lá đang xuống thấp, khoảng 300-400 ngàn đồng/tạ. Trong khi có mùa trúng, cao điểm lên tới 1,1-1,2 triệu đồng/tạ. Phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, giờ giá thấp vậy, nhiều bà con lo và chúng tôi cũng đang lo”- ông nói.

Nói về thu nhập, vì là xã nông thôn mới, nên yêu cầu là mỗi đầu người phải đạt 37 triệu đồng/năm trong năm nay.

“Chúng tôi ráng phấn đấu để đạt theo yêu cầu chung trong xây dựng và duy trì xã nông thôn mới”- ông Nguyễn Quốc Nam còn cho hay điều quan trọng của tiến trình này phụ thuộc vào chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi.

Đất thì không nở ra, nên chính quyền phải tuyên truyền vận động người dân nâng ý thức sản xuất, tìm giống cây con mới, bền vững để nuôi trồng nhằm tăng thu nhập.

Đồng thời tranh thủ các đề án, dự án hỗ trợ từ trên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh cơ cấu lại nông nghiệp.

Ông Lê Hoài Dũng- Phó chánh Văn phòng UBND huyện Bình Tân- cho hay hiện diện tích lúa còn nhiều, chủ yếu ở 2 xã Nguyễn Văn Thảnh và Mỹ Thuận. Còn cây màu trong huyện hàng năm có khoảng 15.000ha, trong đó khoai lang trên dưới 10.000ha.

Bên cạnh là tầm quan trọng của rau màu các loại tham gia cơ cấu cây trồng tại huyện. Trong ảnh: Hành lá ở xã Tân Bình.
Bên cạnh là tầm quan trọng của rau màu các loại tham gia cơ cấu cây trồng tại huyện. Trong ảnh: Hành lá ở xã Tân Bình.

Dọc QL54, chủ yếu là các xã chuyên canh rau màu các loại. Lúa xen màu ở các xã Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng,... và chủ yếu người dân xen lúa- màu hay luân canh màu trên đất lúa để cải tạo đất nhằm đưa màu xuống ruộng hiệu quả hơn trong các mùa sau.

Ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- nói với phóng viên: Về cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn, sẽ tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tạo ra, tận dụng cây, con giống mới để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó là tận dụng sản phẩm, phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Ông Ngọc nói, trước đây, khi cải tạo lại ruộng khoai thì dây khoai già chủ yếu bỏ đi, nay người ta không bỏ cọng nào mà cho đi hoặc lấy về nhà hết để bò, dê ăn.

Để tạo sản xuất, thu nhập ổn định, bền vững

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình khô hạn đầu năm nay sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt, trùng với quy luật “năm nhuần, tháng hạn”, nên dự báo sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa các vụ trong năm.

Đây cũng được coi là điều kiện thuận lợi cơ bản để bố trí cây trồng, vật nuôi theo hướng “né” lũ, đặc biệt là diện tích cây hàng năm.

Về vốn đầu tư, Ban điều hành thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp của UBND huyện Bình Tân cho hay năm 2017, kinh phí huyện hạn hẹp, trong khi nhu cầu phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp rất lớn, nhất là các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu.

Đi một vòng nhiều xã dọc QL54 thuộc huyện Bình Tân, có thể thấy nhiều mô hình, đề án tham gia cơ cấu lại nông nghiệp đã và đang được chính quyền và người dân nơi đây nỗ lực thực hiện, như: trồng cam mật không hạt, cam xoàn ở xã Tân An Thạnh; nuôi dê ở Tân Lược; trồng hành lá ở Tân Bình,...

Thậm chí, tại một vài công đất rẫy nông dân Tân Quới trồng mồng tơi lấy hột, phơi khô bán cho thương lái về làm rau mầm.

 Và trồng mồng tơi lấy hột bán làm rau mầm là hoạt động sản xuất mới mẻ ở đây.
Và trồng mồng tơi lấy hột bán làm rau mầm là hoạt động sản xuất mới mẻ ở đây.

Nói về hình ảnh này, ông Ngọc cho hay đó là một trong những hướng đi mới của nông dân, vì trước giờ chưa nghe nói trồng mồng tơi bán hột. Ông đánh giá cao khả năng tận dụng cơ hội từ thị trường của bà con, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ hết khó khăn về giống, kỹ thuật, vốn liếng đầu tư...

Ông Lê Văn Trung- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thành Lợi (xã Thành Lợi) nói: Ngoài hỗ trợ cung cấp giống, vốn, kỹ thuật cho thành viên, đơn vị còn “bao” hỗ trợ cho bà con ngoài HTX khi có yêu cầu. 

Ngoài đậu bắp là sản phẩm chủ lực của HTX, tùy đơn hàng ký với doanh nghiệp và theo mùa màng mà HTX khuyến cáo bà con tham gia canh tác hành lá, bắp cải, dưa leo, khoai lang. “Chúng tôi căn theo thị trường tiêu thụ mà phổ biến sản xuất đến bà con cả trong ngoài HTX”- ông Trung nói.

Hiệu quả của việc tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua theo ông Trung có thể nói là: chuyển đổi, luân canh cây rau màu các họ, đưa vào nhiều giống có chất lượng, né sâu bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế chi phí đầu vào và tranh thủ thị trường tiêu thụ... Từ đó tạo thu nhập khá cho thành viên và bà con nông dân ngoài HTX trên địa bàn.

Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Bình Tân năm 2017 với mục tiêu chung: thực hiện đạt giá trị nông- lâm- thủy sản tăng 4% so năm 2016. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng/người/năm.

Các xã còn lại đạt 33 triệu đồng/người/năm. Huyện trên cơ sở chỉ đạo tiếp tục giảm diện tích trồng lúa; tăng diện tích cây màu; thâm canh tăng năng suất vườn cây ăn trái; phát triển đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt chú ý phát triển đàn bò dê; khôi phục nghề nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp.

Bài, ảnh: MINH THÁI- HÙNG HẬU