Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Cập nhật, 19:11, Thứ Năm, 20/10/2016 (GMT+7)

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá lớn và tái cơ cấu nền kinh tế là những nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi báo cáo trước Quốc hội tình hình thực hiện kinh tế xã hội năm 2016.

Khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2017 (ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm doanh nghiệp Tỷ Xuân tại Vĩnh Long)
Khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2017 (ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm doanh nghiệp Tỷ Xuân tại Vĩnh Long)

* Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ các chính sách kinh tế vĩ mô có hiệu quả. Theo đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 3,14% chủ yếu do tăng giá dịch vụ công.  

Chính sách tiền tệ đã chủ động phối hợp với chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Thanh khoản của hệ thống được bảo đảm, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm trong 9 tháng, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76%.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định, một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay 0,5- 1%. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản được bảo đảm, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Song song đó, Chính phủ đã tăng cường các biện pháp thu đúng, thu đủ, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế và tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 70,8% dự toán, ước cả năm vượt dự toán 2,4%; bội chi ngân sách nhà nước giữ bằng mức Quốc hội thông qua (theo số tuyệt đối). Tuy nhiên, do tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch, chỉ số giá GDP thấp, nên tỷ lệ bội chi và tỷ lệ nợ công so với GDP có thể vượt ngưỡng Quốc hội cho phép.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng bằng 33,1% GDP và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt là vốn FDI và vốn ODA tăng cao là một trong các yếu tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng. Vốn FDI thực hiện 11,02 tỷ USD, tăng 12,4%, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài ký kết đạt 4,916 tỷ USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ.

Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7%. Ước cả năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 172- 173 tỷ USD, tăng 6-7%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 173- 174 tỷ USD, tăng 4,5- 5%.

Nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng khoảng 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường, bảo đảm tốt cung cầu các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

* Tiếp tục thực hiện ba đột phá lớn và tái cơ cấu nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc thực hiện các đột phá lớn và tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được triển khai và đạt nhiều kết quả.

Về tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016- 2020, thay thế cho 16 Chương trình mục tiêu quốc gia và 61 Chương trình mục tiêu trước đây.

Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thực hiện các chủ trương sắp xếp lại. Lần đầu tiên đã xây dựng được kế hoạch tổng thể, chi tiết danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016- 2020. Tính đến hết tháng 9, đã thoái vốn tại 4 tập đoàn, tổng công ty nhà nước với tổng giá trị là 2.800 tỷ đồng, thu về 5.000 tỷ đồng.

Năm qua, Chính phủ đã thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách, người có công.
Năm qua, Chính phủ đã thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách, người có công.

Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, đã tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn hệ thống. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.

Từng bước tổ chức lại sản xuất, mở rộng quy mô; tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện và 2.061 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 23%, ước năm 2016, dự kiến có 30- 33 đơn vị cấp huyện và khoảng 2.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 25%).

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu trong những tháng còn lại, dự báo năm 2016 có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được trên đây thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém như việc tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong năm 2017 tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng, khó lường. Vì thế, một số giải pháp quan trọng và cấp bách mà Chính phủ sẽ tập trung thực hiện trong năm 2017 là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô;  thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng;

khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

Chính phủ đã phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo hướng tiếp cận giảm nghèo đa chiều. Ước tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 giảm còn 8,5%. Chính phủ đã thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, đã triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách, người có công (giai đoạn I đã bố trí đủ 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình chính sách của 63 địa phương theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg).

Bài, ảnh: T.TÂM- Q.NHƯ