Ý kiến cử tri gởi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu

Cập nhật, 14:47, Thứ Năm, 20/10/2016 (GMT+7)

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Nạn khai thác cát trái phép đã gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông.
Nạn khai thác cát trái phép đã gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông.

Thời gian qua, đại đa số cử tri tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn, lo lắng vì nền kinh tế đất nước phát triển chưa thực sự bền vững, năng suất lao động còn thấp; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực… làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. 

* Tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn chậm  

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri phấn khởi về những nỗ lực, sáng tạo của ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây. Mặc dù chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu nhưng sản xuất nông nghiệp đã vượt qua giai đoạn suy giảm, sản lượng và chất lượng một số mặt hàng nông sản chủ lực đã được nâng cao.

Tính chung ước cả năm 2016, xuất khẩu rau, quả có bước tiến vượt bậc, ước tăng 23,5% so với năm 2015 và đạt giá trị 2,6 tỷ USD, lần đầu tiên lớn hơn giá trị xuất khẩu gạo và giá trị xuất khẩu dầu thô.

Đây là một kết quả rất có ý nghĩa cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, cử tri phản ánh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhìn chung vẫn còn chậm, đa số các hộ nông dân vẫn sản xuất đơn lẻ.

Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu do tư thương thực hiện, do đó người nông dân chịu thiệt thòi nhất trong phân chia thu nhập của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu và quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.

Cần nhanh chóng chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ hộ đơn lẻ sang mô hình sản xuất hộ nông dân liên kết, hợp tác qua mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, nông sản phải liên kết được với doanh nghiệp, hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đất nước và mỗi tỉnh, thành phố cần phát huy sức mạnh liên kết 4 nhà.   

 

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, nạn “cát tặc”, “lâm tặc” nhân dân ở xã biết, chính quyền các cấp đều biết. MTTQVN đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ và 3 lần báo cáo trước Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra một cách công khai. Cử tri cho rằng, nạn “cát tặc”, “lâm tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm”. 

* Giải quyết ngay tình trạng sinh viên thiếu việc làm

Vấn đề y tế, giáo dục luôn là vấn đề được cử tri quan tâm, thế nhưng những bất cập trong các lĩnh vực này vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Cử tri một số địa phương cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên 30% kể từ ngày 1/3/2016 là chưa phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế hiện nay.

Bởi, việc tổ chức khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện còn chưa thật hợp lý, còn một số sai sót rất đáng tiếc về chuyên môn trong ngành y tế, dẫn đến hậu quả chết người đã gây bức xúc trong nhân dân.

Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục kịp thời những sai sót chuyên môn.

Ngoài ra, cử tri vẫn rất lo lắng về tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chưa bảo đảm an toàn; việc sử dụng chất tạo nạc, phụ gia, hoá chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.  

Sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm- sự lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình.
Sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm- sự lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình.

Đối với giáo dục, cử tri tiếp tục phản ánh việc nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đã 3 năm liên tiếp kiến nghị trước Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Việc quản lý dạy thêm, học thêm, đổi mới công tác quản lý các trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên phạm vi cả nước còn lúng túng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương có giải pháp để giảm nhanh số người có trình độ đại học, cao đẳng chưa có việc làm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, nhất là của các doanh nghiệp ở Việt Nam. 

Ngoài những vấn đề trên, cử tri đề nghị cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi khoáng sản, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đặc biệt là nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhiều sân bay, cảng, bố trí vũ khí tại các bãi đá, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; công tác quản lý an ninh mạng đã bộc lộ nhiều sơ hở nghiêm trọng; việc tái định cư và ổn định cuộc sống của nhân dân khi xây dựng các nhà máy thủy điện nhiều nơi chưa hiệu quả… cũng là những vấn đề được cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm giải quyết.  

 

Bài, ảnh: T.TÂM- Q.NHƯ