Xăng dầu tăng giá: Thu nhập giậm chân, giá cả leo thang

06:03, 18/03/2022

Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước kỳ 11/3 vừa qua đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng, càng làm "phình to" chi phí sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, theo ghi nhận, thu nhập của người lao động vẫn giậm chân tại chỗ.

 

Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây khiến cho giá tiêu dùng ngày càng tăng. Ảnh minh họa
Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây khiến cho giá tiêu dùng ngày càng tăng. Ảnh minh họa

(VLO) Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước kỳ 11/3 vừa qua đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng, càng làm “phình to” chi phí sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, theo ghi nhận, thu nhập của người lao động vẫn giậm chân tại chỗ.

Giá xăng dầu đang ở đâu so với khu vực?

Kỳ tăng giá vào ngày 11/3 của mặt hàng xăng dầu tiếp tục khiến đời sống của nhiều người lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu, sinh hoạt hàng ngày có dấu hiệu tăng dần theo xăng dầu.

Theo đó, sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường tăng như sau: xăng E5RON92 không cao hơn 28.985 đ/lít (tăng 2.908 đ/lít so trước đó); xăng RON95-III không cao hơn 29.824 đ/lít (tăng 2.990 đ/lít).

Trong khi đó, dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.268 đ/lít (tăng 3.958 đ/lít); dầu hỏa không cao hơn 23.918 đ/lít (tăng 3.940đ); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.987 đ/kg (tăng 2.519 đ/kg).

Trong khi đó, theo Bộ Công thương, trong năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.743 USD/người/năm. Trong khu vực Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cao hơn Lào (2.718 USD/người/năm), Philippines (3.438 USD/người/năm) và Campuchia (1.730 USD/người/năm).

Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore là 62.113 USD/người/năm; Brunei là 32.100 USD/người/năm, Malaysia là 11.056 USD/người/năm; Thái Lan là 7.030 USD/người/năm và Indonesia là 4.349 USD/người/năm.

Vì vậy, đó là điều dễ hiểu khi so với các nước trong khu vực, mỗi lít xăng Việt Nam hiện cao hơn Campuchia (1,157 USD, tương đương 26.600đ); Malaysia (0,491 USD, tức 11.300đ); Indonesia (0,895 USD, tức 20.560đ); Philippines (1,261 USD, tương đương 28.978đ). Tương tự như việc các nước như Singapore, Brunei, Thái Lan, Myanmar... có giá xăng cao hơn Việt Nam.

Tính lại chi tiêu sinh hoạt

Người dân cũng đang tính lại bài toán chi tiêu hàng ngày trước tình hình giá cả leo thang. Ảnh minh họa
Người dân cũng đang tính lại bài toán chi tiêu hàng ngày trước tình hình giá cả leo thang. Ảnh minh họa

Nhiều người lao động cho biết, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày có xu hướng tăng theo nên cần “tính toán lại bài toán tiêu dùng hàng ngày”.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân- Khóm 5 (Phường 5, TP Vĩnh Long) cho biết, thu nhập từ công nhân may mỗi tháng chỉ loanh quanh khoảng 4,5 triệu đồng. Sau thời gian nghỉ dịch COVID-19, thu nhập không tăng nhưng mọi thứ khác đều tăng theo giá xăng dầu.

“Bây giờ chi tiêu phải thật tiết kiệm, ăn uống có thể cắt lại vài phần nhưng… đổ xăng xe để đi làm thì không thể cắt”- chị Ngân chia sẻ.

Nhiều người hành nghề xe ôm cho biết thêm, bây giờ mỗi lít xăng gần 30.000 đ/lít, nhưng “cước xe” không thể tăng. “Mỗi ngày chỉ có vài cuốc xe, thu nhập không tăng nhưng chi tiền đổ xăng thì ngày càng tăng. Hơn nữa, nghề xe ôm giờ rất hiu, ngày càng ít người đi xe ôm. Mà giờ không làm nghề này thì biết làm nghề nào”- anh Nguyễn Văn Khương- xã Tân Hạnh (Long Hồ) cho biết.

Khi giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng nhất là những người lao động có thu nhập không ổn định. Chị Nguyễn Hồng Trang- Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho biết, nhà có tiệm hủ tiếu nhưng bắt đầu những ngày dịch COVID-19 phức tạp gần đây, tiệm cũng đóng cửa không dám bán (mặc dù không cấm bán) do nhà có nhiều trẻ nhỏ, người lớn tuổi có bệnh nền.

“Mọi thu nhập bây giờ đều dồn vào chiếc xe dịch vụ của chồng. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận tải tăng nhưng cước phí hoặc giá thuê xe trọn ngày không thể tăng thêm vì nhu cầu không nhiều.

Nhìn chung, thu nhập nghề xe dịch vụ không ổn định, mọi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của gia đình đã bắt đầu bị ảnh hưởng và đang tính toán lại chi tiêu mỗi ngày”- chị Trang chia sẻ.

Cầm 100.000 đồng đi chợ hàng ngày cho gia đình 4 người, chị Mỹ Tiên- Phường 5 (TP Vĩnh Long) “ngao ngán” vì giá cả nhiều mặt hàng ngày càng tăng.

“Lúc trước với số tiền này là có thể lo tương đối đầy đủ nhu cầu ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian này là không thể. Tôi cũng vừa mới đổi 1 bình gas hết 500.000 đồng, trong khi tháng trước chỉ khoảng 460.000 đồng. Mỗi thứ đều tăng từng ngày”- chị Tiên bày tỏ.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, chi phí sinh hoạt, dịch vụ cũng đang bắt đầu tăng theo giá xăng dầu. Dễ nhận biết nhất là các quán ăn đang bắt đầu tăng giá bán khoảng 5- 10% để bù lại chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Tuy nhiên, theo nhiều người, lấy ví dụ về mặt hàng ăn uống tăng giá khi xăng, dầu, ga tăng, nhưng khi các mặt hàng này có sự điều chỉnh giảm thì giá dịch vụ ăn uống cũng “giậm chân tại chỗ”. Cứ như vậy thì chi phí sinh hoạt cứ ngày càng tăng chứ không giảm, nhất là các khu vực thành thị…

Theo Bộ Công thương, dựa trên dữ liệu về GDP bình quân đầu người của các nước Đông Nam Á, người Việt Nam có thu nhập khoảng 10,25 USD/ngày, do đó, 1 lít xăng đang chiếm khoảng 11,66% trong thu nhập hàng ngày của người Việt Nam.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh